Tuyên bố được ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, đưa ra tại buổi họp ngày 10/11. Vào tháng 2, số ca tử vong do Covid-19 hàng tuần lên tới 75.000 người. Trong khi đó tuần trước, các nước báo cáo hơn 9.400 trường hợp.
Cũng theo WHO, tổng số ca nhiễm nCoV ghi nhận trên toàn cầu kể từ ngày 1/11 đến 6/11 là hơn 2,1 triệu ca, giảm 15% so với tuần trước đó. Số người chết cũng giảm 10% so với tuần trước.
"Chúng ta đã đi được một chặng đường dài. Đây chắc chắn là lý do để lạc quan. Tuy nhiên, tôi tiếp tục kêu gọi chính phủ, cộng đồng và các cá nhân cảnh giác", ông nói.
Ông Tedros cho rằng người dân không nên chủ quan khi các biến chủng mới tiếp tục xuất hiện. Theo ông, gần 10.000 ca tử vong mỗi tuần vẫn là quá nhiều so với một căn bệnh đã có biện pháp ngăn ngừa và điều trị.
Người đứng đầu WHO nhận định tỷ lệ xét nghiệm và giải trình tự gene virus trên toàn cầu còn thấp, khoảng cách tiêm chủng giữa các nước giàu nghèo còn rộng và các biến chủng mới vẫn gia tăng.
Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cũng cho rằng nhiều nước đang đánh giá thấp về mức độ lưu hành thực sự của virus. Số lượng xét nghiệm giảm dẫn đến số ca nhiễm được báo cáo cũng giảm.
Theo bà Kerkhove, Covid-19 "vẫn là một đại dịch, virus vẫn lây truyền khắp thế giới". Nhiệm vụ chính của các nước hiện nay là ngăn ngừa các ca nhập viện và tử vong.
Theo WHO, Nhật Bản là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất, với hơn 401.000 trường hợp dương tính, tăng 42% so với tuần trước. Tiếp theo là Hàn Quốc, Mỹ, Đức và Trung Quốc.
Mỹ ghi nhận nhiều biến chủng mới hoành hành cùng lúc. Trong đó, các chuyên gia đặc biệt chú ý đến BQ.1 và BQ.1.1. Cả hai đều là dòng con của Omicron, đang lây lan mạnh mẽ, dự kiến vượt qua BA.5 để trở thành chủng trội.
BQ.1 và BQ.1.1 đều chứa đột biến di truyền, khiến hệ miễn dịch khó nhận biết và vô hiệu hóa. Đặc điểm này khiến virus dễ lây nhiễm sang người hơn, mặc dù miễn dịch từ tiêm chủng và nhiễm bệnh trước đó vẫn hiệu quả.
Thục Linh (Theo WHO)