Số liệu được Reuters đưa ra ngày 8/11, đúng vào lúc Mỹ xác định tổng thống đắc cử Biden và giữa làn sóng thứ ba của đại dịch.
Trong vòng 10 ngày qua có tới 4 ngày chứng kiến số ca mắc mới mỗi ngày hơn 100.000. Hôm 7/11, Mỹ ghi nhận kỷ lục 131.420 trường hợp dương tính virus.
Mức trung bình mỗi ngày gần đây là 105.000 ca nhiễm, cao hơn nhiều so với tổng của Pháp và Ấn Độ, hai quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh ở châu Âu và châu Á.
Hơn 237.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19. Cứ 11 bệnh nhân trên thế giới tử vong thì có một người Mỹ. Các chuyên gia dự đoán số người chết có thể tăng cao hơn trong khoảng 4 đến 6 tuần tới đây.
Hôm 7/11, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết đưa việc ứng phó đại dịch thành ưu tiên hàng đầu. Hôm nay, ông cho ra mắt đội đặc nhiệm gồm 12 thành viên ứng phó đại dịch. Người đứng đầu là cựu Tổng y sĩ Vivek Murthy cùng cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm David Kessler. Đội đặc nhiệm được giao nhiệm vụ phát triển kế hoạch chi tiết về việc ngăn chặn Covid-19 quay trở lại vào tháng 1 năm sau.
Trung Tây vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, ghi nhận nhiều ca nhiễm theo đầu người nhất. Dịch bệnh tác động trầm trọng đến 5 bang là North Dakota, South Dakota, Wisconsin, Iowa và Nebraska. Illinois nổi lên như tâm dịch mới của khu vực. Bang đã báo cáo hơn 60.000 ca nhiễm nCoV trong 7 ngày qua, cao nhất cả nước. Texas chiếm 10% tổng số ca nhiễm ở Mỹ, trở thành bang đầu tiên vượt qua một triệu ca.
Trong khi nhiều nước châu Á đã phần nào kiểm soát được sự lây lan của virus, hàng loạt quốc gia châu Âu trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai. Đến ngày 9/11, Pháp ghi nhận hơn 1,7 triệu bệnh nhân và hơn 40.000 ca tử vong, trở thành quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Pháp đã tái áp đặt lệnh giãn cách xã hội, trong khi Anh, Đức, Italy đang tính động thái tương tự.
Thục Linh (Theo Reuters)