Thông tin được GS.TS.BS Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực Việt Nam, chia sẻ tại Hội nghị thường niên Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch châu Á diễn ra ở TP HCM từ ngày 15 đến 18/11. Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị, sau lần đầu cách đây 9 năm, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Theo giáo sư Thành, số ca mổ tăng chứng tỏ tay nghề của đội ngũ y bác sĩ được nâng cao, cơ sở hạ tầng các bệnh viện ngày càng được đầu tư. Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân tim cần mổ hiện nay, trong bối cảnh tỷ lệ người dân mắc bệnh ngày càng tăng, ước tính năng lực mổ phải tăng gấp ba lần mới có thể đáp ứng nhu cầu.
Mô hình bệnh tật tại Việt Nam thay đổi nhanh, với sự gia tăng của các bệnh lý không lây nhiễm, trong đó có bệnh lý tim mạch, theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, cả ở các nước phát triển hay đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mỗi năm hơn 200.000 người Việt qua đời vì bệnh tim mạch, gấp đôi số người mất vì ung thư.
"Phẫu thuật tim mạch lồng ngực là một phần không thể thiếu trong điều trị bệnh lý tim mạch, nên ngành y tế Việt Nam luôn quan tâm và đầu tư cho lĩnh vực này", ông Tuyên nói.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Trưởng ban tổ chức hội nghị, trong phẫu thuật tim mạch lồng ngực thì phẫu thuật tim hở là khó nhất. Trung tâm phẫu thuật tim hở đòi hỏi đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật cao, bác sĩ được đào tạo và đặc biệt là sự phối hợp của các ê kíp từ bác sĩ nội khoa, chẩn đoán hình ảnh, người điều khiển máy tim phổi nhân tạo, đến gây mê, hồi sức sau mổ...
"Do đó, một trung tâm muốn phát triển được phẫu thuật tim hở thì phải có sự phát triển toàn diện ở trình độ cao", bác sĩ Quế nói.
Những năm gần đây nhiều bệnh viện áp dụng những công nghệ mới, bắt kịp các xu hướng của thế giới trong phẫu thuật tim mạch, đặc biệt là mổ ít xâm lấn, mổ nội soi, robot. Đến nay, cả nước có 18 trung tâm có thể mổ nội soi tim mạch, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, ít đau và ít xâm lấn hơn, giữ xương ức lành lặn, ít mất máu, thời gian hồi sức ngắn hơn. Kỹ thuật này có tính thẩm mỹ cao vì không để lại sẹo lớn giữa ngực, đặc biệt có ý nghĩa với phụ nữ.
Thời gian tới, Hội Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực Việt Nam tiếp tục đào tạo, hỗ trợ phát triển các trung tâm mổ tim, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là sử dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân trang bị kiến thức về bệnh lý tim mạch, duy trì thói quen sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ như tập thể dục, giữ cân nặng hợp lý, hạn chế bia rượu thuốc lá, tránh căng thẳng. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn dưới 5 g muối/ngày, ăn nhiều rau quả, cá, hạn chế chất béo có hại, đồ ngọt.
Lê Phương