Riêng TP HCM ghi nhận hơn 23.900 bệnh nhân dương tính, chiếm 59% tổng nhiễm cả nước sau gần hai tháng bùng dịch, tính từ 18/5.
Chủ động ứng phó tình huống xấu hơn, Ban chỉ đạo chống Covid-19 quốc gia chiều 16/7 yêu cầu các tỉnh nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó khi dịch lan rộng hơn ở phía Nam. Các tỉnh thành được yêu cầu kêu gọi nhân dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà.
Ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn đã gây sức ép đến công tác điều trị của ngành y, đặc biệt TP HCM. Sở Y tế thành phố đã lên kế hoạch chuẩn bị 50.000 giường điều trị theo yêu cầu của Ban chỉ đạo. Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ lập thêm các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu ca nhiễm. Trong đó dùng nhà nghỉ, khách sạn làm nơi điều trị F0 với cơ cấu gọn nhẹ, nhân lực, vật lực tối thiểu. Việc này nhằm giảm tải để các bệnh viện tập trung điều trị bệnh nhân nặng.
Trực tiếp chỉ đạo chống dịch tại TP HCM, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng đang tăng, trở thành gánh nặng y tế lớn cho TP HCM, Đồng Tháp. Số lượng máy thở tại một số địa phương vượt quá khả năng đáp ứng của ngành y. Tỷ lệ bệnh nâng nặng phải hỗ trợ oxy, máy thở, can thiệp ECMO ngày càng tăng.
Tỷ lệ bệnh nhân tử vong ở Việt Nam 0,55%, trong khi thế giới là 2,15%. Nhưng một số nơi như TP HCM trên 0,6%, Đồng Tháp cao hơn nữa. Điều này cho thấy tỷ lệ tử vong ở Việt Nam đang tiệm cận với nhiều nước trên thế giới.
Họp bàn chống dịch sáng cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị oxy y tế cho kịch bản ca nhiễm cao hơn. Bộ cảnh báo một số tỉnh thành có nguy cơ thiếu oxy và nhắc địa phương tự xem lại khả năng cung ứng oxy trên địa bàn. Tất cả khu vực đều cần chuẩn bị oxy, kể cả nơi điều trị bệnh nhân nhẹ để đề phòng chuyển nặng. Từng chỗ phải tăng điều phối oxy, kể cả bệnh viện hạng 2, hạng 3.
Ông Long đánh giá việc thực hiện chỉ thị 16 tại một số nơi chưa triệt để. Người dân vẫn đi lại nhộn nhịp, chợ vẫn họp đông thì không thể chấm dứt chuỗi lây nhiễm được. Trong khi đó, chu kỳ lây nhiễm hiện nay rút xuống còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước. Những yếu tố đó khiến công cuộc dập dịch chưa đạt được những kết quả mong muốn.
Chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam đã có nhiều thay đổi cơ bản trong tình hình mới: giảm thời gian cách ly tập trung từ 21 xuống còn 14 ngày sau hơn một tháng áp dụng; nhiều tỉnh thành bắt đầu thí điểm cách ly F1 tại nhà; test nhanh trở thành phương pháp chính trong xét nghiệm thay vì PCR như trước đây, nhằm sàng vớt F0 khỏi cộng đồng nhanh nhất; chiến lược điều trị phân tầng theo các khu vực khác nhau: bệnh nhân nhẹ điều trị tại cơ sở thu dung; người có triệu chứng chuyển đến cơ sở y tế; ca nặng điều trị tại đa khoa, dã chiến hoặc hồi sức tích cực.
Về vấn đề vaccine, Bộ Y tế dự báo tình trạng nguồn cung hạn chế sẽ kéo dài đến tháng 9 năm nay. Việt Nam đã đàm phán thành công 170 triệu liều. Song do mức độ khan hiếm trên toàn cầu, nên có những hợp đồng mua từ cuối năm trước nay mới bắt đầu nhận được. Vaccine vì thế sẽ ưu tiên cho các tỉnh thành đang có dịch, đầu tàu phát triển kinh tế để đảm bảo mục tiêu kép.
Dịch quay trở lại nhiều địa phương, xuất hiện chuỗi lây nhiễm cộng đồng sau nhiều ngày tạm lắng. Hà Nội hai ngày qua phong tỏa ba địa điểm ở các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng khi ghi nhận 4 ca dương tính. Thành phố xuất hiện hai chùm ca nhiễm cộng đồng. Chùm ca Vinacomin có 3 ca nhiễm và chuỗi lây tại công trường xây dựng 189 Bà Triệu đã có 7 ca dương tính.
Đà Nẵng cùng lúc cách ly xã hội bốn phường gồm An Khê, Thạc Gián, Hòa Khánh Bắc và Hòa An từ hôm nay. Động thái chính quyền đưa ra sau khi những địa bàn này ghi nhận nhiều chùm lây nhiễm cộng đồng. Trong sáng 16/7, ngành y tế Đà Nẵng công bố phát hiện thêm 40 ca nghi nhiễm. 8 ca trong đó liên quan đến công ty ở Khu công nghiệp Hoà Khánh.
Gần ba tháng đợt dịch bùng phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc nên vượt qua áp lực đạt chỉ tiêu kinh tế, để rộng đường ra quyết định chống dịch.
Ông phân tích, các biện pháp phòng chống dịch truyền thống như cách ly, khoanh vùng, truy vết không còn hữu hiệu mạnh như trước với biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh. Lúc này, tạm thời đừng nhìn vào các chỉ số ngắn hạn. Nếu trước sau cũng phải giãn cách thì nên làm càng sớm càng tốt để chịu ít nhất tổn thất, chi phí. Cần chấp nhận để "chịu đau" ngắn hạn đổi lấy ổn định trung và dài hạn.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, nếu không kiềm chế được dịch bệnh, thì khủng hoảng y tế là điều tất yếu, dẫn tới suy giảm kinh tế. Theo ông Tự Anh, Việt Nam đã rơi vào nhóm 25 nước có số ca nhiễm hàng ngày cao nhất thế giới. Hệ thống y tế nhiều địa phương sẽ quá tải nếu đà này tiếp diễn.
Hồi tháng 4/2020, Việt Nam cách ly xã hội toàn quốc theo chỉ thị 16 trong vòng nửa tháng. TP HCM, Hà Nội và nhóm 10 tỉnh thành khác nguy cơ cao kéo dài thêm một tuần, tới 22/4/2020.
Hồng Chiêu