Riêng Bắc Giang chiếm 375 ca, chưa tính 78 trường hợp chưa đủ thông tin dịch tễ nên được coi là nghi nhiễm. Những người này đều được lấy mẫu thần tốc trong ba ngày qua tại các khu công nghiệp và nơi được phong tỏa từ trước.
Số ca nhiễm riêng hôm qua bằng tổng số ca nhiễm cộng dồn 12 ngày trong đợt dịch đầu năm ở Hải Dương, Quảng Ninh. Tốc độ lây lan của đợt dịch này mạnh hơn tất cả đợt trước. nCoV biến chủng Ấn Độ nhân lên nhanh gấp 1,7 lần so với các biến chủng khác, phán tán mầm bệnh rộng, đặc biệt trong môi trường kín. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ F1 chuyển thành F0 lên tới 55% tại ổ dịch Công ty Hosiden, tỷ lệ này ở Công ty SJ Tech (Bắc Giang) là 79%.
Dự báo những ngày tới, các ca Covid-19 tiếp tục tăng do Bắc Giang tổng lực xét nghiệm. Địa phương đang cách ly tập trung hơn 12.600 F1 và hơn 60.000 công nhân cách ly trong các khu dân cư phong tỏa ở huyện Việt Yên. Đặc biệt còn khoảng 50.000 người có nguy cơ cao đang chờ xét nghiệm.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định các ca nhiễm tiếp tục tăng là thách thức lớn cho Bắc Giang. Ban đầu, tỉnh dự kiến số bệnh nhân phải điều trị dao động 500 đến 1.000, song ca mắc vượt gần 1.400, nên cần xây dựng kịch bản số nhiễm cao hơn 3.000.
Ông Long phân tích, những nơi công nhân trọ đông có nguy cơ rất cao và đề nghị "đóng băng" các khu My Điền (xã Hoàng Ninh), Núi Hiểu (xã Quang Châu) của huyện Việt Yên. Tỉnh phải coi các vùng này như khu cách ly tập trung thì mới khống chế được dịch. Bắc Giang cũng cần điều chỉnh chiến lược xét nghiệm. Người thuộc nhóm nguy cơ cao phải được test nhanh kháng nguyên, nếu dương tính sẽ xét nghiệm bằng RT-PCR khẳng định. Người được test nhanh âm tính vẫn phải cách ly tiếp, xét nghiệm tiếp 3 lần một ngày.
So với Đà Nẵng, "mặt trận" Bắc Giang khiến ngành y tế lo ngại hơn nhiều. Bởi Đà Nẵng xét nghiệm nhanh một thì Bắc Giang phải nhanh gấp mười mới chặn được dịch. "Làm sao phải dập được ổ dịch Bắc Giang. Nếu không làm được là ta thất bại, dịch sẽ lây lan ra các tỉnh thành khác", ông Long nói.
Cùng lúc, Hà Nội đã xuất hiện bốn chùm ca nhiễm mới, trong đó hai chùm ca bệnh ở Công ty T&T và Times City rất phức tạp, chưa rõ nguồn lây, thời gian các ca bệnh ở cộng đồng dài. Liên quan hai chùm ca bệnh này đã ghi nhận 26 người dương tính tại 10 quận, huyện. Riêng ngày 25/5, ngành y tế phát hiện 8 ca, dự báo những ngày tới ca mắc mới còn tăng.
"Nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng rất cao", ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định.
Trước diễn biến khó lường của Covid-19, Hà Nội lẫn Bắc Giang đều nâng cấp biện pháp phòng dịch lên một bước. Hà Nội chưa tính tới giãn cách hay cách ly xã hội toàn thành phố, song từ 12h trưa 25/5 đã đóng cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ, chỉ cho bán mang về. Người dân từ các tỉnh thành khác trở về thủ đô phải khai báo y tế trong 24 tiếng tính từ lúc có mặt ở Hà Nội.
Hà Nội sẽ áp dụng mô hình cách ly "ba lớp" để kiểm soát nguồn lây và giảm tác động tiêu cực đến sản xuất cũng như đời sống người dân. "Các biện pháp mạnh chỉ được xem xét khi tình hình phức tạp hơn", Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Trong khi đó, Bắc Giang thực hiện các biện pháp "như cách ly xã hội" dù chưa chính thức ra quyết định. Ngày 25/5, tỉnh yêu cầu người dân các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động và TP Bắc Giang không ra khỏi nhà. Cư dân 4 huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Lãnh đạo Bắc Giang nhấn mạnh "đợt dịch này đặc biệt nguy hiểm, thời gian còn kéo dài, nên cần sự vào cuộc của toàn thể người dân và chính quyền địa phương".
Siết chặt các biện pháp phòng dịch trong khu dân cư, song chính quyền Bắc Giang tìm cách khôi phục dần sản xuất trong bốn khu công nghiệp đang tạm ngưng hoạt động là Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng. Tỉnh xây dựng mô hình an toàn, thí điểm trong 8 doanh nghiệp để sản xuất trở lại từ ngày 28/5.
Kế hoạch đánh dấu Bắc Giang bước sang giai đoạn vừa chống dịch vừa tìm cách sản xuất an toàn, tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu mà nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang là mắt xích quan trọng. Kế hoạch khôi phục sản xuất được chia hai giai đoạn: Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, các ca nhiễm tiếp tục tăng, tính từ cuối tháng 5 và giai đoạn tiếp theo từ cuối tháng 6, sau khi khống chế được dịch và trở lại trạng thái bình thường mới. Các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng điều kiện phòng dịch tương ứng mỗi giai đoạn.
Tối cùng ngày, lãnh đạo Bắc Giang đề nghị Trung ương giải tỏa tình trạng "ngăn sông cấm chợ" với hàng hóa của tỉnh. 180.000 tấn vải thiều sắp chín, chưa kể dưa hấu, dứa cũng đến kỳ thu hoạch. Những trái cây đang gặp khó trên đường đi tiêu thụ vì phải vượt qua nhiều chốt kiểm dịch của các tỉnh thành.
Tại một số địa phương, tình hình khả quan hơn khi nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới. Hải Phòng cho các cửa hàng ăn uống, cơ sở lưu trú mở cửa trở lại sau một tuần tạm ngừng phòng dịch. Quảng Nam khôi phục hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, nghi lễ tôn giáo ở một số huyện. Hà Tĩnh cho hàng quán cắt tóc, gội đầu, quán ăn vỉa hè hoạt động sau khi trên địa bàn "sạch" các điểm phong tỏa và 25 ngày không có lây nhiễm cộng đồng.
Dịch bùng phát từ 27/4 đến nay đã kéo dài gần một tháng, Bộ Y tế công bố 2.793 ca nhiễm ở 30 tỉnh thành. Các chuyên gia dự đoán đợt dịch này không thể kết thúc trong tháng 6 khi các ca nhiễm mới tiếp tục tăng và chưa thấy đỉnh dịch.
Đợt dịch đầu tiên cuối tháng 1, rải rác hồi tháng 2 với tâm dịch Vĩnh Phúc, bùng phát ở Hà Nội vào tháng 3 với các ổ dịch Bạch Mai, Hạ Lôi và kết thúc giữa tháng 4/2020 khi cả nước hết cách ly xã hội.
Làn sóng lây nhiễm thứ hai với tâm điểm là Đà Nẵng từ cuối tháng 7/2020, kết thúc sau khoảng 45 ngày khi thành phố hết phong tỏa vào 10/9/2020. Đợt dịch thứ ba khởi phát cuối tháng 1/2021 với tâm dịch Hải Dương, lan ra 12 tỉnh thành khác, kết thúc sau một tháng rưỡi.
Hoàng Phương