"Ngày 28/4, thành phố chỉ ghi nhận một ca bệnh từ Hà Nam về, đến ngày 18/5 xuất hiện thêm vài ca nữa, nhưng chỉ trong 15 ngày qua số ca nhiễm của TP HCM đã tăng nhanh và xếp thứ ba cả nước", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nói tại cuộc họp của Ban chỉ đạo chống Covid ngày 11/6.
Đây là đợt dịch tác động mạnh tại đô thị lớn nhất cả nước về cả số lượng và mức độ lây lan với 20/21 quận huyện ghi nhận ca bệnh. Dịch xâm nhập vào bệnh viện, khu công nghiệp, cao ốc văn phòng, hàng trăm khu vực bị phong toả, cách ly. Lần đầu tiên, TP HCM vượt qua mốc an toàn, trở thành địa phương có tỷ lệ nhiễm báo động là 13 ca/triệu dân (tính đến 30/5).
Theo ông Phong, một số ổ dịch ghi nhận gần đây đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm. Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, đã giãn cách theo Chỉ thị 16, toàn thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15, nhưng TP HCM vẫn xuất hiện 30-50 ca nhiễm mỗi ngày.
Ông Phong phân tích, tỷ lệ các trường hợp F1 chuyển thành F0 đang giảm dần, nhưng số ca nhiễm được phát hiện khi người dân có triệu chứng hô hấp đến bệnh viện, phòng khám lại tăng. "Đây là vấn đề đáng lo ngại. Điều đó cho thấy chúng ta vẫn chưa kiểm soát được hết dịch bệnh trong cộng đồng", ông Phong nói.
Theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh, ngoài ổ dịch liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng "cơ bản được kiểm soát", hiện thành phố xuất hiện một số ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây với 63 ca nhiễm. Đó là ổ dịch Củ Chi - xưởng cơ khí Hóc Môn 31 ca; ổ dịch tại chung cư Ehome, quận Bình Tân 16 ca; ổ dịch tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức 6 ca; ổ dịch ở ấp Tân Thới 2, huyện Hóc Môn 10 ca.
Lãnh đạo Sở Y tế đánh giá, những ổ dịch này phát hiện trong giai đoạn giãn cách xã hội nên nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, mà chỉ lây lan do tiếp xúc của những người trong gia đình (xưởng cơ khí Hóc Môn, chung cư Ehome, hộ dân ở Thủ Đức). "Nguồn gốc các ca bệnh có thể dịch đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước hoặc người tiếp xúc các ca bệnh, đi qua các vùng dịch tễ nhưng chưa khai báo đầy đủ", ông Bỉnh nói.
Hiện, TP HCM trải qua ngày thứ 12 thực hiện giãn cách xã hội. Hai địa phương áp dụng cách ly theo Chỉ thị 16 là quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) đề nghị giảm cấp độ vì tình hình chuyển biến theo chiều hướng tốt, số ca nhiễm trên địa bàn giảm. Trong khi đó, theo ông Bỉnh sau 15 ngày giãn cách xã hội TP HCM sẽ có đánh giá tổng thể, có biện pháp chống dịch phù hợp, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống người dân.
Ngày 11/6, Việt Nam ghi nhận thêm 196 ca nhiễm, gồm 11 ca nhập cảnh và 185 ca trong nước. Hôm qua, 96 bệnh nhân được công bố khỏi Covid-19, 2 người tử vong. Tổng số ca khỏi bệnh từ đầu dịch lên 3.804, số tử vong 57.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 6.781, ghi nhận ở 39 tỉnh thành. Trong đó, Bắc Giang vẫn là nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 3.791 ca, tiếp theo là Bắc Ninh 1.255, TP HCM 610, Hà Nội 457 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 95 ca, 53 ca ở Bệnh viện K).
14 tỉnh gồm Bạc Liêu, Điện Biên, Đồng Nai, Gia Lai, Hòa Bình, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Hữu Công