Trong buổi làm việc sáng nay của kỳ họp thứ hai HĐND khóa 8, ông Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng TP HCM là trung tâm y tế lớn nhất phía Nam nên thu hút nhiều bệnh nhân từ các tỉnh thành, Việt kiều hay người nước ngoài đến khám chữa bệnh.
Về năng lực, ngành Y tế TP HCM cũng là trung tâm chuyên sâu với kỹ thuật cao và hệ thống các bệnh viện chuyên ngành hàng đầu của cả nước. Trong đó, đội ngũ cán bộ y tế luôn được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ (hơn 62% bác sĩ được đào tạo sau đại học). Sở Y tế đã nỗ lực đầu tư về kỹ năng cho lực lượng này nên các kỹ thuật chuyên sâu như ghép gan, tạng... là ngang bằng với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên theo đại biểu Vương Đức Hoàng Quân, trên thực tế có rất nhiều người dân đã qua Singapore, Thái Lan khám chữa bệnh. Việc này gây ra không ít bức xúc bởi không chỉ khiến nhà nước mất đi một nguồn ngoại tệ, mà còn mất đi cơ hội nâng cao tay nghề và uy tín của ngành y tế Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP đang trao đổi với Phó giám đốc Sở Y tế bên ngoài hội trường. Ảnh: Hữu Công. |
Thừa nhận thực tế này, nhưng ông Thanh khẳng định ngành Y tế không chủ trương mà do người dân tự đi nước ngoài khám chữa bệnh theo nhu cầu cá nhân. Ông cũng bày tỏ trong khi rất nhiều Việt kiều về nước điều trị bệnh vì tin tưởng vào sự phát triển của ngành y nội địa, thì người dân trong nước lại cố gắng chạy ra nước ngoài chữa bệnh.
"Cần khẳng định về chuyên môn, kỹ thuật mổ xẻ chúng ta không thua kém ai mà chúng ta chỉ không bằng họ về điều kiện vất chất. Những gì chúng ta còn chưa tốt thì trong thời gian ngắn nữa sẽ khắc phục được. Vì vậy chúng ta rất cần tuyên truyền đến người dân để họ thay đổi quan niệm", ông Thanh nhấn mạnh.
Người đứng đầu Sở Y tế cũng cho biết, trong thời gian qua ngành đã rất chú trọng đến việc xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ y tế với người dân, bởi y đức, đạo đức của cán bộ y tế ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bệnh nhân.
"Nhìn chung cán bộ ngành y đã thực hiện tốt vấn đề này nhưng không phủ nhận vẫn còn một số có thái độ thiếu chừng mực khiến người bệnh không hài lòng. Đây là vấn đề lo lắng, trăn trở của tất cả đại biểu và của ngành nên chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng, hạn chế không để con sâu làm rầu nồi canh", ông Thanh quả quyết.
Về công tác phòng chống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố, ông Thanh cho rằng Sở Y tế đã làm rất tốt trong thời gian qua dù địa bàn TP HCM là rất rộng. Về cơ bản, các dịch bệnh lớn như H5N1 hay não mô cầu... đã được khống chế. Ngành cũng quan tâm nhiều đến dịch bệnh tay chân miệng nên đã có phương pháp phòng chống dịch từ tháng 3.
"Tỷ lệ tử vong của dịch bệnh này chưa đến 10% được xem là ít so với các nước trong khu vực. Tại Trung Quốc hay Indonesia tỷ lệ tử vong là 15-20%", ông Thanh cho biết.
Cũng chất vấn trong mảng y tế, đại biểu Thái Tuấn Chí băn khoăn về dịch bệnh sốt xuất huyết rất lớn đang xảy ra tại TP HCM. Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng đã có 4.000 ca nhiễm bệnh và có 2 trường hợp tử vong, trong đó có một ca là do chẩn đoán sai.
Nhìn nhận vấn đề, giám đốc Sở y tế cho biết đã chỉ đạo toàn bộ 24 quận huyện tập trung phòng chống dịch bệnh nhưng chỉ có dịch tay chân miệng giảm trong khi dịch sốt xuất huyết tăng gấp 2 so với cùng kỳ. Theo ông Thanh đây là vấn đề cần báo động và phải tăng cường giám sát. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở còn cho rằng dịch bệnh này xảy ra hiện nay còn do ảnh hưởng của những công trình thi công chậm trễ đã làm ứ nước, hình thành ao tù tràn lan trên địa bàn thành phố.
Cũng trong buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia chất vấn giám đốc Sở y tế về giải pháp của ngành trong việc để tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa của phụ nữ ngày càng tăng; hay hệ thống cấp cứu 115 còn chậm và hạn chế; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cơ sở y tế còn chậm chạp; nhiều bệnh viện quá tải trong khi có nơi rất "vắng khách"...
Vũ Mai