Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp 2020 của StartupBlink, Việt Nam đứng thứ 59 toàn cầu, tăng 13 bậc so với năm ngoái. Báo cáo nhận định, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mạnh chủ yếu do quy mô của nền kinh tế quốc gia ngày càng mở rộng. Theo đó, các startup có điều kiện phát triển và thành công dù không vươn ra thị trường quốc tế.
Năm 2020, thị trường Việt Nam là điểm đến an toàn của giới đầu tư quốc tế nhờ quy mô dân số trẻ, đam mê khởi nghiệp, lượng doanh nghiệp khởi nghiệp lớn, chất lượng đào tạo nhân lực tốt và có sự đồng hành từ Chính phủ...
Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 10 startup kỳ lân đến 2030, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc tế, các chuyên gia cho rằng startup Việt Nam sẽ phải tạo ra những đổi mới mang tính đột phá, giải quyết được những bài toán của khu vực và thế giới.
Câu chuyện tương lai của khởi nghiệp là một trong những nội dung sẽ được bà Trương Lý Hoàng Phi, nhà sáng lập cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp IBP, đề cập trong talkshow Nguy - Cơ 18 phát sóng sáng mai (7/1).
Trong talk lần này, bà Trương Lý Hoàng Phi sẽ có nhiều lý giải về việc gắn kết trong cộng đồng startup Việt, cũng như mối quan hệ giữa các đơn vị khởi nghiệp với doanh nghiệp lớn, nhỏ. "Những công ty vốn lớn thường có cách nhìn rất thực tế, bài toán họ giải quyết là những bài toán đặt trước mắt. Trong khi ngôn ngữ của startup là mức độ thành công và những chỉ số của tương lai, và những chỉ số đó đôi khi không đủ thuyết phục", bà Trương Lý Hoàng Phi nói.
Nữ doanh nhân cũng đánh giá, hậu Covid-19 là khoảng thời gian startup đúc rút nhiều bài học. Đó là nhìn bài toán thực tế hơn, bớt nói về chuyện thay đổi thế giới trước khi thay đổi được hành vi khách hàng. Theo hướng này, bà Hoàng Phi nhận định tương lai gần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam là những cú bắt tay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và những công ty startup.
Việc hợp tác với nhau là cách giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa "gia cố thêm nội lực" để chuyển đổi số, thích nghi với những biến động của thị trường. Ở chiều ngược lại, startup cũng có cơ hội phát triển khi kết hợp với các SME. Đó cũng là lý do Trương Lý Hoàng Phi sáng lập IBP ngay trong Covid-19, để hỗ trợ, kết nối các nguồn lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.
Với 10 năm gắn bó với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Trương Lý Hoàng Phi được ví như "bà đỡ" của các startup; các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, nữ doanh nhân trực tiếp tư vấn và hỗ trợ cho hơn 5.000 startup, SME ở nhiều lĩnh vực.
Bà là người khởi xướng thành lập và phát triển Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC, tổ chức tạo ra Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo (HSIF), quỹ đầu tiên của Việt Nam góp vốn hoàn toàn từ tư nhân. Bà đồng hành với hàng loạt cuộc thi, diễn đàn thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam như Startup Wheel, Vietnam Young Leader Forum, Startup Exchange....
Hoàng Phi cũng ghi dấu ấn với sự kiện Vietnam CEO Forum, là gương mặt quen thuộc của nhiều chương trình truyền hình khởi nghiệp và là một trong những Shark trẻ tuổi nhất trong chương trình Shark Tank Việt Nam...
Hoài Phong
Talkshow Nguy - Cơ là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ câu chuyện của mình, phân tích trực diện các vấn đề kinh doanh về cuộc chiến khốc liệt trên thương trường cùng host là doanh nhân, diễn giả Nguyễn Phi Vân. Chương trình do VnExpress và đối tác S-world Multimedia phối hợp thực hiện.
52 số của chương trình là câu chuyện của các vị lãnh đạo, đầu tàu doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bất động sản, tài chính đến dịch vụ giải trí, tiêu dùng, vận tải... Mời độc giả xem lại các số Nguy - Cơ từ 1 đến 17.
Những doanh nghiệp muốn chia sẻ câu chuyện của mình có thể liên hệ Ban sản xuất chương trình tại đây.