Sau cơn sốt của dòng smartphone Hàn Quốc Sky, từ nửa cuối năm ngoái, các dòng smartphone Nhật đang chiếm lĩnh thị trường điện thoại xách tay Việt Nam khi xuất hiện rộng rãi và phổ biến ở nhiều cửa hàng và được đông người dùng trong nước tìm mua. Đây là các dòng máy được phân phối và bán ra ở Nhật thông qua các hãng viễn thông và thường bị khoá mạng chứ không phải phiên bản quốc tế.
Những dòng smartphone này thường đi kèm hộp đựng đơn giản, phụ kiện ít, không có sạc hay cáp. Bên cạnh đó, không như iPhone hàng Nhật, tên các smartphone này đều có mã riêng như SO-01G, SOL26 hay SCL23... ngoài tên gọi chính thức như Xperia Z3 hay Galaxy S5. Trên thân máy, người dùng cũng dễ nhận thấy logo của các nhà mạng Nhật như Au, Docomo hay Softbank nhưng chưa chắc đã tìm thấy logo của nhà sản xuất.
Theo nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại ở Hà Nội, giờ hàng xách tay bán chủ yếu là các dòng smartphone Nhật. So với iPhone, những dòng máy này bán chạy và bán dễ không kém, doanh số cao vì nhiều người tìm mua. Anh Trần Tuấn, quản lý một cửa hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, mặc dù hàng giá rẻ nhưng xuất xứ từ các nhà mạng Nhật nên tạo được niềm tin nơi người mua. Bên cạnh đó, so với mức niêm yết chính hãng, giá bán của không ít smartphone Samsung, Sony hay LG hàng Nhật xách tay có thể rẻ tới gần một nửa.
Ví dụ Xperia Z3 đang được Sony niêm yết ở Việt Nam gần 15 triệu đồng, nhưng giá của các bản xách tay hàng Nhật như Z3 Docomo (SO-01G) hay Z3 Au (SOL26) chỉ có tầm 8 đến 8,5 triệu đồng. Thậm chí, ngay cả khi so với bản xách tay hàng quốc tế, giá của những chiếc điện thoại hàng Nhật cùng phiên bản có khi vẫn rẻ hơn 1 hay 2 triệu đồng. Như chiếc Galaxy S6 Edge mới ra nhưng bản AU hàng Nhật giá hiện giờ chỉ hơn 16 triệu đồng. Sự chênh lệch lớn về giá được các cửa hàng lý giải là do hàng khoá mạng, được phân phối kèm hợp đồng thuê bao nên giá luôn thấp hơn nhiều hàng quốc tế.
Anh Tuấn cũng cho hay, không giống iPhone khoá mạng của Nhật khi hầu hết phải sử dụng SIM ghép hoặc mua code tốn nhiều tiền, hầu như smartphone hàng Nhật của Sony, Samsung hay LG đều dễ dàng mở mạng, sau đó úp lại ROM và hoạt động bình thường giống như một phiên bản quốc tế, không cần đến SIM ghép. Việc sử dụng không có nhiều khác biệt hoặc gặp lỗi như ở iPhone Nhật khoá mạng.
Tuy nhiên, theo một dân chuyên kinh doanh điện thoại Nhật lâu năm, lý do chính khiến cho những chiếc smartphone Nhật giá rẻ tràn lan ở Việt Nam hiện nay là do nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc. Cũng như iPhone 5C giá rẻ vừa rồi, phần lớn các dòng máy của Sony, Samsung hay LG hàng Nhật đều được các đầu nậu lớn của Trung Quốc thu gom, mở mạng hoàn chỉnh rồi mới đưa về Việt Nam. Rất ít máy được mua hay nhập thằng về từ Nhật, trừ các model mới ra và có giá cao chứ không rẻ. Vì vậy, dù vẫn là hàng mới nhưng rủi ro khi mua những chiếc smartphone Nhật là không ít.
Như với dòng Sony Xperia hàng Nhật, lỗi dễ gặp phải là việc mất DRM Key, khiến cho một số tính năng và công nghệ như Bravia Engine, Xloud... không dùng được. Các dòng máy Nhật giá rẻ như Galaxy S5 AU hay Xperia Z3 Docomo, AU... hiện giờ đều tồn tại ít nhất hai loại hàng: loại mở mạng bằng Code mua từ nhà mạng có giá cao và chất lượng nhỉnh hơn; còn rẻ hơn là loại được mở bằng phần mềm bằng cách can thiệp vào Bootloader, chạy lại ROM, gây ra lỗi mất DRM Key trên dòng Xperia của Sony.
Ngoài ra, dòng điện thoại Nhật xách tay trên thị trường hiện giờ cũng xuất hiện cả loại hàng tân trang, hàng dựng từ máy đã qua sử dụng hoặc sửa chữa, chất lượng không đồng đều, khó đảm bảo và dễ gặp trục trặc khi dùng lâu dài nhưng lại giá nhập vào rẻ, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người bán. Loại hàng chất lượng kém này dễ gặp phải ở dòng máy Galaxy của Samsung, có thể nhận thấy khi tem thông tin IMEI và vỏ hộp thường được làm lại, kiểm tra bằng phần mềm quét thường ra kết quả không trùng khớp.
Anh Xuân Long, một người chơi điện thoại Nhật trên diễn đàn SL4X cho hay, người dùng nên cẩn trọng, tìm đến các cửa hàng uy tín, có chính sách bảo hành rõ ràng... Còn nếu thực sự muốn sử dụng hoặc chơi một mẫu điện thoại hàng Nhật chất lượng tốt, nên tìm các dòng máy "nội địa" như của Sharp, Fujitsu hay NEC.
Xem thêm: Cách nhận biết điện thoại Sony Xperia hàng dựng
Tuấn Anh