Hai nhà mạng tại Việt Nam, Vinaphone và Viettel, đang thử nghiệm mạng 4G LTE ở hai băng tần là 1.800 MHz và 2.600 MHz. Về cơ bản, nếu thiết bị thu của người dùng hỗ trợ hai băng tần này là đã có thể sử dụng mạng 4G ở trong nước. Tuy nhiên, tốc độ đạt được thực tế lại còn phụ thuộc nhiều vào thiết bị cụ thể.
Những người dùng đầu tiên sử dụng thử mạng 4G của Vinaphone hôm qua đều có chung kết quả tải về cao nhất khoảng từ 100 đến 200 Mb/giây. Tuy đã cao hơn nhiều so với mạng 3G trước đây nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa đến một thử nghiệm của Vinaphone là gần 550 Mb/giây và được cho là có tốc độ tải lên nhanh nhất Đông Nam Á.
Sự khác biệt nằm ở thiết bị khi Vinaphone sử dụng bộ thu chuyên dụng hỗ trợ tới Cat 11 (tốc độ tải lên trên lý thuyết là 600 Mb/giây) trong khi tại Việt Nam chưa có điện thoại, máy tính bảng nào hỗ trợ tới giao thức này. Các di động cao cấp nhất như Samsung Galaxy S6 Edge Plus, Galaxy Note 5 hay Sony Xperia Z5 đều mới chỉ hỗ trợ tối đa lên là Cat 9 với băng thông tải lên 450 Mb/giây còn bộ đội iPhone 6s là Cat 6 với con số tương tự là 300 Mb/giây.
Người dùng muốn trải nghiệm tốc độ vượt trội sẽ phải chờ đến giữa năm nay khi các mẫu di động chạy chip Snapdragon 820 mới xuất hiện trên thị trường. Vi xử lý mới nhất của Qualcomm sẽ đi kèm với modem LTE X12 và hỗ trợ Cat 11, Cat 12 với băng thông tải về tối đa 600 Mb/giây. Tuy nhiên, việc chọn những công nghệ 4G LTE rất mới để đầu tư của các nhà mạng tại Việt Nam cũng được các chuyên gia đánh giá cao.
Tốc độ thử nghiệm mạng 4G hôm qua làm hài lòng đa số người dùng đầu tiên nhưng lo lắng về viễn cảnh thử nghiệm khác biệt thực tế lại đồng thời hiện hữu. Bài học nhãn tiền về tốc độ 3G là lý do chính đáng cho những băn khoăn của người tiêu dùng. Thời gian đầu khi mới có mặt tại Việt Nam, tốc độ 3G rất tốt và ổn định. Nhưng cho tới khi smartphone hỗ trợ kết nối này phổ biến, lượng người dùng tăng vọt, các nhà mạng không còn đáp ứng được các tốc độ cam kết như ban đầu.
Tại cùng một khu vực, số lượng người dùng và số trạm thu phát sóng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng mạng trên từng thiết bị. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng thời gian đầu khi đưa vào sử dụng rộng rãi, tốc độ tải lên và về vẫn khá nhanh nhưng về lâu dài sẽ phụ thuộc nhiều vào sự đầu tư của các nhà mạng cũng như tốc độ phát triển của thiết bị hỗ trợ 4G.
Người dùng phần lớn chỉ quan tâm tới tốc độ, băng thông của kết nối mạng di động mới mà quên đi các ưu điểm công nghệ khác mà 4G mang lại. Đầu tiên là việc kết nối này ít bị trễ hơn nhiều so với 3G truyền thống. Một trạm phát sóng 4G có thể hỗ trợ nhiều máy truy cập cùng lúc hơn so với 3G nên tình trạng nghẽn sẽ ít xảy ra hơn ở những khu dân cư đông đúc. Ngoài ra thì thời lượng pin tiêu tốn trên thiết bị cuối của người dùng cũng ít hơn.
Các nhà mạng đang gặp khó khăn về đầu tư hạ tầng để đảm bảo tốc độ 4G LTE như tiêu chuẩn. Hiện tại, các nhà mạng tại Việt Nam đang thử nghiệm hai băng tần là 1.800 MHz và 2.600 MHz. Trên lý thuyết, băng tần càng cao thì hỗ trợ băng thông tải về, tải lên cho các thiết bị cuối của người dùng càng cao. Tuy nhiên, nhược điểm là khi đó phạm vi phủ sóng lại hẹp hơn và đòi hỏi lắp đặt nhiều hơn trạm thu phát sóng rất tốn kém. Các nhà mạng khi đó bắt buộc phải giải bài toán cân đối giữa vùng phủ sóng rộng và băng thông cao cho người tiêu dùng, nếu không, tốc độ mạng 4G với băng tần cao sẽ khó đạt được như tiêu chuẩn.
Tuy chưa được xác nhận, nhưng các nhà mạng có thể sử dụng thêm một băng tần thứ ba là 700 MHz khi lộ trình khai tử dịch vụ truyền hình analog hoàn tất. Tuy có băng thông thấp hơn hai băng tần đang được thử nghiệm nhưng với ưu điểm vượt trội về độ phủ sóng cao, băng tần 700 MHz sẽ được dùng để các hãng đạt cột mốc phủ sóng 4G LTE trên toàn quốc.
Tuấn Hưng