"Bốn chiến đấu cơ MiG-29 đầu tiên đã được bàn giao an toàn cho lực lượng vũ trang Ukraine. Tôi cảm ơn tất cả những người đã tham gia công việc chuyên nghiệp tuyệt vời", Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad hôm nay cho hay.
Theo ông Nad, các tiêm kích được phi công Ukraine điều khiển từ Slovakia đến Ukraine dưới sự hỗ trợ của không quân Slovakia, quân nhân Ukraine và những người khác.
"Trong những tuần tới, số máy bay còn lại sẽ được bàn giao", Bộ trưởng Quốc phòng Nad nói thêm, đồng thời khẳng định sẽ không cung cấp bất kỳ chi tiết bổ sung nào cho đến khi các tiêm kích an toàn ở Ukraine.
Tuần trước, Slovakia trở thành đồng minh thứ hai của Ukraine, sau Ba Lan, cung cấp chiến đấu cơ, loại vũ khí mà Kiev tin là rất quan trọng để đẩy lùi lực lượng Nga. Slovakia sẽ chuyển tổng cộng 13 chiếc, trong đó 10 máy bay có thể vận hành và ba chiếc được dùng để rã xác lấy phụ tùng. Bratislava cũng sẽ cung cấp một phần hệ thống phòng không KUB cho Ukraine.
Slovakia năm ngoái quyết định loại biên phi đội tiêm kích MiG-29 thời Liên Xô do chúng phụ thuộc vào các công ty và kỹ thuật viên Nga. Kể từ đó, hai nước láng giềng Cộng hòa Czech và Ba Lan đã bảo vệ không phận cho Slovakia.
Slovakia có kế hoạch thay thế các tiêm kích MiG-29 bằng tiêm kích F-16 của Mỹ. Theo dự kiến, Mỹ sẽ bàn giao lô tiêm kích F-16 cho Slovakia vào năm sau.
Ukraine gần đây từ chối xác nhận số lượng tiêm kích MiG-29 đang hoạt động, nhưng theo báo cáo Lực lượng Không quân Thế giới do trang tin Flight Global công bố cuối năm ngoái, nước này đang vận hành 43 chiếc.
Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia hôm 22/3 cho biết Mỹ đã đề nghị bán các trực thăng chiến đấu Bell AH-1Z Viper với mức giá được giảm 2/3. Theo đó, Slovakia sẽ trả 340 triệu USD trong vòng 3-4 năm cho gói trị giá hơn một tỷ USD. Thỏa thuận cũng bao gồm các bộ phận trực thăng, hoạt động huấn luyện và hơn 500 tên lửa AGM-114 Hellfire II.
Ông Nad cho biết việc Mỹ đề nghị cung cấp trực thăng một phần do Slovakia hỗ trợ nước láng giềng Ukraine, đồng thời là sự đền bù gián tiếp cho việc chậm giao tiêm kích F-16 mà nước này đã đặt hàng vào năm 2018.
Huyền Lê (Theo AFP, AP, Reuters)