Đây là trận thua thứ hai trong mùa của Hà Nội FC, nên về mặt kết quả, không có gì đặc biệt. Điều đáng nói là sự bất lực của Hà Nội trước hàng thủ SLNA. Kể từ mùa 2018, khi sở hữu đội hình hùng mạnh được xem là "vô đối" đến nay, sau 57 trận đã đấu ở V-League, Hà Nội chỉ bốn trận đấu không thể ghi bàn. Một trận ở mùa 2018, hai trận mùa 2019 và bây giờ là trận thua SLNA. Nhưng chưa từng có trận đấu nào, kể cả những trận thua, Hà Nội phải chơi trong hoàn cảnh hoàn toàn bị động như trên sân Hàng Đẫy hôm 18/6.
Suốt 45 phút hiệp hai, Hà Nội không tung được cú sút nào đi đúng hướng khung thành SLNA. Đấy chính là vấn đề. Ban huấn luyện của Hà Nội biết hàng thủ SLNA chưa để thủng lưới bàn nào. Họ trải qua 45 phút đầu trận để trực tiếp kiểm tra, thử một số khả năng tiếp cận cầu môn trước khi có thể giải quyết mọi thứ trong hiệp hai như cái cách mà họ vẫn dùng để trị các đối thủ "khó nhằn". Nhưng rốt cục, càng đá càng bế tắc, không có một ý tưởng đặc biệt nào lóe lên để tạo hy vọng. Có thể Hà Nội đã bị "bắt bài", hoặc bản thân họ, sau dư thừa vinh quang, đã mất đi những tinh anh. Nhưng cũng có thể, đối thủ của họ là SLNA đã đạt đến tầm vóc của một đội bóng lớn, với thứ bản lĩnh được trui rèn ngay trên dòng chảy của những mất mát. Có thể nói, Hà Nội FC đã thua trước một đội bóng chơi tốt hơn mình.
Năm ngoái, SLNA chỉ thắng đúng tám trận, tức là ngang với Hải Phòng, đội xếp thứ 12, nhưng họ chỉ thua bảy trận, ngang với đội xếp thứ ba Quảng Ninh. Kể từ khi Lê Công Vinh rời đội năm 2015, SLNA chẳng sản sinh được chân sút nội nào cả. Cũng từ đó đến nay, những gì tốt nhất do SLNA sản sinh cứ đều đặn ra đi mỗi mùa. Ở trận đấu gần nhất của đội tuyển quốc gia trước Thái Lan (tháng 11/2019), đội bóng xứ Nghệ không có một ai. Đến đội tuyển U23 dự vòng chung kết châu Á hồi tháng 1, cũng chẳng có cái tên nào của SLNA. Thậm chí, tình hình tệ đến mức, trong danh sách tập trung đầu tiên của đội U19 Việt Nam, vẫn vắng bóng "quân Sông Lam". Ngôi sao duy nhất hiện nay của họ Phan Văn Đức cũng chưa chắc suất trên tuyển sau thời gian chấn thương.
Không một đội bóng nào đang ở trong chu trình suy yếu lực lượng mà lại có thể tiến bộ về mặt thành tích. Nhưng SLNA luôn là ngoại lệ. Không phải tự nhiên mà họ là đội bóng duy nhất trong lịch sử chưa từng bị xuống hạng, dù năm nào cũng bán đi các trụ cột, là nguồn cung cấp cầu thủ lớn nhất từ trước đến nay. Sự ổn định của SLNA đến từ năng lực đào tạo cầu thủ và lối chơi đặc thù, xuyên suốt, thấm đẫm trong từng dòng máu cầu thủ xứ Nghệ từ khi họ còn đá ở U15, U17. Nó được xây dựng trên sự tiếp nối của các HLV người địa phương. Những phẩm chất đó đã đạt đến mức hoàn hảo trong trận cầu trên sân Hàng Đẫy. Chỉ riêng việc đẩy Hà Nội FC vào trạng thái bế tắc hoàn toàn cũng đã là chiến thắng của đội bóng xứ Nghệ. Bàn thắng của Văn Lắm chỉ là dấu chấm trên chữ i, đưa họ lên đỉnh bảng với chỉ ba bàn thắng sau năm vòng.
Lịch sử cũng như các qui luật về bóng đá đều cho thấy, mọi nhà vô địch đều phải có hàng tấn công mạnh nhất - nhì giải đấu. Thế nên, cho dù hiện là một trong hai đội bóng bất bại sau 5 vòng đấu, nhưng khả năng giữ ngôi số một của SLNA rất khó kéo dài. Nhưng cục diện của mùa giải hiện tại, đi kèm với thể thức mới, cũng như mật độ thi đấu hiện nay, biết đâu sẽ trao cho SLNA một cơ hội mà bản thân họ cũng không hề chuẩn bị kế hoạch.
Vòng 5 của V-League chỉ chứng kiến 11 bàn, với sáu trận đấu kết thúc bằng tỷ số hòa hoặc sít sao, trong đó có ba trận tỷ số 1-0. Trước đó, ở vòng 4, cũng có năm trận đấu diễn ra theo kịch bản này. Kể từ khi V-League quay trở lại, sau 21 trận, chỉ bốn trận đấu kết thúc từ ba bàn trở lên, trong khi có sáu trận hòa và có đến chín trận phân định thắng thua chỉ bằng một bàn chênh lệch. Thể thức mới không cho phép các đội có cơ hội để sửa chữa sai lầm ở giai đoạn hai, đã buộc các đội bóng phải chiến đấu thực sự trên từng trận đấu. Hơn nữa, việc đá liên tục không nghỉ, thời gian giữa hai vòng đấu trung bình chỉ năm ngày, càng buộc các CLB phải đặt tiêu chí "có điểm nào, hay điểm đó" lên hàng đầu. Bên cạnh ngôi đầu bảng nhờ không để thủng lưới của SLNA, thì có thể lấy ví dụ từ hai trận đấu với bốn điểm của tân HLV Nguyễn Thành Công tại Thanh Hóa, hay ba trận bất bại gần nhất, chỉ để thua một bàn của tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh... chính là kết quả phù hợp cho những gì đang là xu hướng ở V-League.
Cú té ngã của Hà Nội tại Hàng Đẫy càng làm cho cuộc đua vô địch trở nên khó lường, căng thẳng như mùa 2017, thời điểm Quảng Nam bất ngờ lên ngôi. Trong bối cảnh mà V-League sẽ còn ngột ngạt với diễn biến thiên về đấu trí của các HLV với lối chơi phòng ngự làm trọng tâm, thì việc Công Phượng ghi bàn đầu tiên tại V-League, Tiến Linh tiếp tục lập công cho Bình Dương, là những ngọn gió mát. TP HCM và Bình Dương là hai đội bóng có đủ tham vọng và tiềm lực để tạo ra cuộc đua sòng phẳng với Hà Nội mùa này. Họ cũng là các đội đang sở hữu hàng tấn công của đội tuyển quốc gia, nên thành tích tốt của họ sẽ làm HLV Park Hang-seo yên tâm hơn.
Song Việt