Báo cáo tài chính đã kiểm toán của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho thấy, doanh thu năm 2023 đạt hơn 28.408 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm trước đó. Trung bình mỗi ngày, đơn vị này thu gần 78 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng.
Tuy nhiên, giá vốn chiếm hơn 99% doanh thu. Do đó, công ty chỉ có hơn 241,6 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tương đương biên lãi gộp 0,85%.
Trong nhóm các chi phí thường xuyên, bán hàng giảm nhẹ chủ yếu do bớt tiền quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, khuyến mãi. Ngược lại, quản lý doanh nghiệp tăng 29% so với cùng kỳ, do thêm khoản chi cho nhân viên. Riêng chi phí tài chính ghi nhận mức âm, nhờ được hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư hơn 10,6 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, "ông lớn" kinh doanh vàng có lãi sau thuế gần 61 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong ba năm gần đây của họ. So với kế hoạch, công ty hoàn thành hơn 93% chỉ tiêu doanh thu, vượt 7,4% về lợi nhuận.
Tuy nhiên, với mức lãi kể trên, biên lợi nhuận ròng chỉ đạt 0,21%. Tức là, với 1 tỷ doanh thu từ bán vàng, công ty lãi hơn 2 triệu đồng.
Trong cuộc họp hồi giữa tháng 5, Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng nói công ty không được lợi khi được chọn là đơn vị độc quyền vàng miếng. Bà Hằng dẫn chứng trước năm 2012 - thời điểm Nghị định 24 chưa ra đời, vốn sở hữu của SJC là 400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau 2012, mức lãi sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng. "Lợi nhuận giảm mạnh, đời sống người lao động rất khó khăn", bà nói.
Do không được làm vàng miếng, doanh nghiệp chuyển hướng làm vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này. Giai đoạn đầu, sản phẩm trang sức của SJC gặp khó khăn, không cạnh tranh được và chỉ có lời 6 năm trở lại đây.
Tại báo cáo tài chính 2023, SJC trích gần 84 tỷ đồng để lập dự phòng cho giảm giá hàng tồn kho. Con số này tăng hơn 3 lần so với năm trước đó.
Tính đến cuối năm ngoái, công ty có gần 1.447 tỷ đồng hàng tồn kho, nhiều hơn cùng kỳ khoảng 21%. Gần 1.252 tỷ đồng trong số đó là hàng hóa, có thể chủ yếu là vàng miếng. Còn thành phẩm chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 135 tỷ đồng, phần lớn là sản phẩm trang sức. SJC dự phòng giảm giá cho vàng miếng hơn 17 tỷ đồng, còn lại gần 67 tỷ là dự phòng cho trang sức.
Về phần này, đơn vị kiểm toán Công ty Baker Tilly A&C cho rằng SJC trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho dựa trên cơ sở ước tính giá trị hàng hóa có thể thu hồi do doanh nghiệp này tự đánh giá. Đơn vị kiểm toán không có cơ sở để xác định tính đúng đắn của khoản dự phòng này.
Năm ngoái, giá vàng SJC tăng trung bình 19%. Đặc biệt, thị trường kim loại quý có đợt biến động mạnh trong giai đoạn cuối năm. Sau khi vượt 70 triệu đồng vào giữa tháng 10/2023, giá vàng rung lắc liên tục. Riêng hai tuần cuối năm, thị trường biến động, như ngày 26/12, vàng miếng SJC tăng từng giờ và vượt 80 triệu đồng.
SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP HCM. Nhiều năm qua, doanh nghiệp này đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Từ năm 2012, SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia vì chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường.
Năm nay, công ty đưa ra kế hoạch doanh thu khoảng 30.145 tỷ đồng và lãi 70,2 tỷ, tăng lần lượt 6% và 15% so với năm 2023. Nếu thành công, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp doanh ngiệp này đạt doanh thu hơn tỷ USD.
Tất Đạt