Theo đại diện đơn vị, tính đến năm 2021, Việt Nam có 93 cơ sở đào tạo luật với các chuyên ngành khác nhau. Trong bức tranh toàn cảnh về đào tạo luật rất phong phú đó, Đại học Quốc tế Sài Gòn đã chọn việc đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật kinh tế quốc tế làm hướng đi chính.
Bắt đầu từ 2018, SIU mở chuyên ngành Luật kinh tế quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đào tạo của nhân vươn tầm quốc tế, nhà trường đã thiết kế chương trình đào tạo tiên tiến, vừa đảm bảo kiến thức pháp luật trong nước, vừa chắt lọc tinh túy theo tiêu chuẩn ngành Law and Economics của Đại học Mỹ.
Chương trình đào tạo có hơn 30% số tín chỉ các môn chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh. Đội ngũ đào tạo bao gồm ban cố vấn chuyên môn cấp cao, giảng viên là chuyên gia pháp luật đầu ngành, từng giữ chức vụ quan trọng tại cơ quan nhà nước, tòa án, văn phòng luật sư và công ty luật, trung tâm trọng tài, trung tâm hòa giải thương mại. Ngoài ra, SIU còn mời giảng giáo sư đến từ các trường đại học, thẩm phán của Mỹ.
SIU thường xuyên tổ chức các hội thảo với sự tham gia của dàn khách mời là luật sư uy tín, chánh án, thẩm phán, trọng tài viên, hòa giải viên thương mại, lãnh đạo đương chức của các cơ quan pháp luật trung ương. Đây là cơ hội cho sinh viên SIU học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức và kỹ năng để trở thành chuyên gia trong tương lai.
Bên cạnh việc cung cấp kiến thức chuyên môn, SIU cũng chú trọng đến quá trình học tập thực tiễn cho sinh viên. Trong quá trình đào tạo, sinh viên luật sẽ được nhà trường giới thiệu tham quan và thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thông qua đó tiếp cận thực tiễn pháp lý.
Các hoạt động được nhà trường lên kế hoạch dài hạn, mục tiêu đảm bảo sinh viên luôn có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, cũng như đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước.
Dưới sự hỗ trợ của Khoa Đào tạo Luật sư, Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế của Học viện Tư pháp cùng nỗ lực cá nhân, sinh viên có thể trở thành những luật sư chuyên nghiệp có đủ khả năng tư vấn, tranh tụng quốc tế.
Sau khi ra trường, sinh viên cũng có thể làm việc ở các tổ chức nhà nước như cơ quan dân cử; cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan thuộc hệ thống tư pháp; các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước với vị trí là chuyên viên, cố vấn pháp lý.
Đại diện đơn vị cho biết, SIU nỗ lực đào tạo nên những cử nhân Luật kinh tế quốc tế với những tiêu chí chuẩn quốc tế, tiến tới bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người dân Việt Nam, lợi ích quốc gia, dân tộc trong các vụ kiện và tranh chấp pháp lý vượt ngoài lãnh thổ.
(Nguồn và ảnh: SIU)