23h ngày 15/6, Hồ Thị Ngọc Bích, sinh viên năm thứ 5 ngành Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Khoa Vinh, nhận được thông báo khu vực cô trọ có ca nghi mắc Covid-19. Hôm sau, phường Hưng Dũng, TP Vinh, bị phong tỏa, khiến Bích và các bạn cùng trường trong khu trọ không thể ra ngoài mua đồ.
"Em hoang mang vì chưa kịp chuẩn bị gì. Em nghĩ tới viễn cảnh phải ăn cháo vì gạo trong nhà chỉ đủ cầm cự 2-3 ngày. Số mì tôm mua tích trữ từ đầu tháng cũng chỉ còn 5 gói, trong khi bình nước đã hết và không có rau", Bích kể.
Bích chưa về quê vì đăng ký tham gia đội tình nguyện đi lấy mẫu xét nghiệm ở huyện Diễn Châu. Trong lúc chờ đợi, cô bị kẹt vì lệnh phong tỏa. Chưa biết xoay sở ra sao thì Bích nhận được tin nhắn hỏi thăm của thầy cô và bạn bè ở trường.
Ba ngày sau, nữ sinh quê Nghệ An được Đoàn trường Đại học Y khoa Vinh hỗ trợ 5 kg gạo, 10 quả trứng, một kg thịt và rau, củ. Bích chế biến thịt thành các món rang và kho rồi để nhờ tủ lạnh của phòng bên cạnh. Những đồ để được lâu, cô bảo quản cẩn thận để không bị hỏng.
Ngoài hỗ trợ từ nhà trường, Bích cũng được chính quyền phường Hưng Dũng gửi gạo, bí xanh, tép khô nấu canh và cá khô. Ngoài ra, cô còn nhận được những phần ăn sáng hàng ngày.
Sự hỗ trợ kịp thời của trường và phường khiến những sinh viên như Bích ấm lòng. "Trong lúc khó khăn, chúng em nhận được những phần quà chu đáo. Em xin cảm ơn trường và phường Hưng Dũng", Bích nói.
Hiện Bích vẫn phải học online 2-3 buổi chiều một tuần. Trong thời gian phong tỏa, Bích tranh thủ làm bài tập, đọc sách, tập thể dục, trang hoàng lại phòng trọ. Bình thường bận đi lâm sàng và bận học, Bích ít nấu ăn nhưng từ khi ở nhà, cô chăm chỉ nấu ăn. Thỉnh thoảng buồn, cô gọi điện nói chuyện với bạn bè.
Nguyễn Thị Hồng Độ, sinh viên ngành Bác sĩ Đa khoa, đã mua vé ôtô, chuẩn bị đồ về Bình Định ít ngày, trước khi trở lại Vinh tham gia tình nguyện. Học xa nhà nên một năm nữ sinh năm thứ 5 chỉ về nhà dịp Tết và hè. Thế nhưng, mọi kế hoạch phải thay đổi khi khu trọ của cô bị phong tỏa.
Độ sốc, không biết những ngày tới sẽ sống ra sao. Nhưng được thầy cô động viên, Độ dần bình tĩnh, cố gắng thích nghi. Sau khi lớp trưởng đăng bài hỏi còn bạn nào ở lại Vinh và đang trong khu vực phong tỏa cần sự hỗ trợ thực phẩm, cô đã đăng ký. Hôm sau, cô nhận được túi quà gồm gạo, trứng, thịt và rau.
"May nhờ có gạo của trường, nếu không em không biết tính sao. Đi học xa nhà, được nhà trường quan tâm như vậy, em thấy đỡ tủi thân rất nhiều", Độ chia sẻ.
Chủ nhà trọ cũng đăng ký cho Độ và các sinh viên khác ở đây nhận hỗ trợ của phường. Hơn một tuần qua, Độ đã quen với cuộc sống chỉ ở trong phòng. Ngoài những lúc học bài, cô làm bạn với con mèo nhỏ.
Theo Vũ Hải Tùng, Bí thư liên chi đoàn Bác sĩ Đa khoa, Đoàn trường phối hợp nhà trường hỗ trợ sinh viên từ hôm 19/6, hiện đã triển khai được ba đợt. Đợt đầu tiên hôm 19/6 hỗ trợ được 38 suất, đợt hai 65 suất và đợt ba 250 suất. Chương trình nằm trong kế hoạch của nhà trường, với mục đích đồng hành và không để sinh viên gặp khó khó khăn trong dịch bệnh.
Chương trình ưu tiên giúp đỡ nhu yếu phẩm cho hai nhóm, gồm sinh viên ở khu vực phong tỏa và sinh viên đi tình nguyện, lấy mẫu xét nghiệm. Những bạn khó khăn, thuộc hộ nghèo, sẽ được hỗ trợ nhiều lần và liên tục. Mỗi túi thực phẩm trị giá khoảng 150.000 đồng, gồm gạo, thịt, trứng, rau đủ dùng trong 4-5 ngày. Gần đây, các bạn nhận được thêm gia vị gồm nước mắm, muối, dầu ăn và đồ ăn sáng.
Trước khi hỗ trợ, Đoàn trường sẽ hỏi nguyện vọng của sinh viên đang thiếu hoặc cần gì. Nếu vẫn còn gạo, túi quà của các em sẽ được tăng thêm thịt, trứng hoặc rau. Tùng cho biết sinh viên trong khu vực phong tỏa phần lớn đăng ký rau xanh.
Ngoài ra, Đoàn trường còn thành lập đội shipper áo xanh làm nhiệm vụ đi mua đồ giúp các bạn không thể ra ngoài vì phải cách ly hoặc trong khu phong tỏa. Tại các khu trọ có nhiều nữ, các bạn sẽ tổng hợp món đồ cá nhân cần mua và gửi đội này. Shipper sẽ đi mua giúp, để ở chốt và gọi điện để các bạn ra lấy.
Trực tiếp tham gia tiếp tế đồ và làm shipper, Tùng nhiều hôm phải dậy từ 5h để tới nhận suất ăn, sau đó phân chia đưa đến cho các bạn. Khoảng cách giữa các khu phong tỏa có sinh viên trọ không quá xa nhưng những hôm nắng nóng, phải đi lòng vòng trên đường khiến đội tình nguyện vất vả.
"Chương trình sẽ song hành cùng sinh viên cho tới khi hết thời gian phong tỏa của địa phương. Em vui vì được làm công việc ý nghĩa này", Tùng nói.
Bình Minh