Người gửi: Mai Bảo
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Nên xử lý công bằng với công dân Việt Nam tại nước ngoài!
Tôi đích thực là một công dân Việt Nam. Mấy ngày nay tôi luôn theo dõi diễn biến của vụ giết hại Vũ Anh Tuấn trên nhiều kênh thông tin. Tôi nghĩ rằng cần có sự liên kết, biện pháp xử lý cứng rắn hơn giữa hai quốc gia, để hạn chế tối đa những kết cục bi thương cho sinh viên Việt Nam tại Nga.
Tôi là lớp hậu thế, nhưng những gì tôi biết về đất nước Nga -Xô Viết không phải là ít. Một phần, tôi học được qua sách báo, bạn bè, một phần là vì công việc (phóng viên) tôi thường được tiếp xúc với những người đã từng sống - làm việc ở Nga.
Cách đây không lâu, tôi có vài cuộc tiếp xúc với những người "hoài niệm Nga". Tôi hỏi vị tiến sĩ được đào tạo ở Nga rằng ông cho biết một vài cảm nhận về nước Nga đương thời và nước Nga kỷ niệm trong ông. Ông nói: "Tôi mới đi công tác ở Nga về chưa lâu, đi với danh nghĩa "Hợp tác giữa hai ngành. Qua đó, họ dặn tôi ra đường phải mang theo giấy tờ tuỳ thân đầy đủ, không thì khó mà tìm lại nhau đấy! Và quả thực, tôi gặp rắc rối khi bị cảnh sát chặn xe hỏi vặn vẹo". Ông cho biết vì có giấy "Hợp tác nghiên cứu..." nên đoàn của ông không bị lỡ tiến trình sau mấy câu tiếng Nga lí nhí từ viên cảnh sát trưởng. "Nước Nga bây giờ cảnh sát ngoài đường nhiều lắm, còi xe cảnh sát hú inh ỏi. Cảnh tượng đó làm "nước Nga kỷ niệm" trong tôi hoen ố", ông nói.
Thật bất công khi nhìn những người nước ngoài hồn nhiên dạo chơi, đi lại trên phố phường Việt Nam. Có hôm, tôi thấy vài người nước ngoài, (không biết họ ở nước nào) đi sai luật giao thông đường bộ Việt Nam, gặp mấy anh cảnh sát giao thông, họ cười thản nhiên và đưa tay vẫy vẫy, và cứ thế. Rồi họ đi xe máy qua trạm thu phí không tốn tiền, còn tôi đi sau xe họ phải dừng lại ở quầy bán vé. Tôi không biết mấy ông ở trạm gác xử lý thế nào mà sự thể lại như thế, hay mấy ông không biết tiếng Anh nên đành cho qua cho xong chuyện, đỡ bị ùn tắc giao thông? Không phải so kè gì mấy tình tiết nhỏ trong cuộc sống như vậy, nhưng phải xử lý công bằng giữa người với người theo công ước quốc tế. Tôi thầm nghĩ, nếu lỡ có một người nước ngoài thiệt mạng tại Việt Nam thì sự thể sẽ thế nào? Chắc chắn, chúng ta sẽ bị "chiếu tướng" của nhiều nước, tổ chức trên thế giới.
Qua vụ Vũ Anh Tuấn, chúng ta phải bằng nhiều cách: mạnh, chững chạc, để trả lại sự công bằng cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, có như vậy mới mong con đường tiếp nhận khoa học công nghệ tiên tiến thế giới của người Việt ở nước ngoài về phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đà Lạt, ngày 18-09-2004
Mai Bảo