"Có nhiều sự cường điệu và hào hứng xung quanh ChatGPT. Nhưng cũng như bất kỳ công nghệ mới nào, cần áp dụng nó một cách có trách nhiệm", Tian, sinh viên năm cuối tại Đại học Princeton ở Canada, trả lời SCMP về động lực cho sự ra đời của GPTZero.
Với mục đích "con người xứng đáng biết sự thật", ứng dụng nhắm đến các nhà phát triển giáo dục hoặc những ai cần đánh giá liệu văn bản họ đang đọc được viết bởi con người hay AI. GPTZero đã thu hút chú ý đến mức server ứng dụng bị sập ngay khi ra mắt hồi đầu tháng 1, buộc Tian phải mua thêm dung lượng lưu trữ trực tuyến Streamlit. Đến nay, ứng dụng nhận về hơn trăm nghìn lượt tải.
ChatGPT ra mắt cuối tháng 11/2022 bởi OpenAI và thu hút hơn một triệu người dùng toàn cầu chỉ sau chưa đến một tuần. Với khả năng phản hồi tự nhiên và nhanh chóng, AI này ngày càng được sinh viên sử dụng để làm bài tập về nhà và "nhờ" viết luận.
Tian đánh giá ChatGPT là "chiếc hộp Pandora của công nghệ truyền thông xã hội". "Dù là sự đổi mới tuyệt vời, nó cũng có rất nhiều nhược điểm", anh nói.
Sinh viên 22 tuổi này cho biết GPTZero sử dụng hai biến để xác định xem văn bản được đưa vào được viết bởi bot hay con người: sự phức tạp và sự đơn giản. Sự phức tạp là phép đo tính ngẫu nhiên trong văn bản. Nếu một kho văn bản không quen thuộc, nó sẽ gây "bối rối" cho AI và nhiều khả năng nó đã được viết bởi con người. Nếu văn bản quen thuộc và đã có trong cơ sở dữ liệu, hệ thống sẽ xác định nó được tạo bởi AI.
Theo Tian, sự phức tạp là thước đo độc lập và "không hoàn hảo", nên cần thêm bước so sánh các biến thể ngữ nghĩa của câu. "Con người có xu hướng viết với nhiều biến thể trong câu, chẳng hạn câu dài, câu ngắn, giọng chủ động bên cạnh câu bị động. Trong khi đó, văn bản do AI viết có xu hướng đồng nhất", Tian giải thích.
Tian sinh ra ở Tokyo nhưng chủ yếu sống ở Trung Quốc và Canada. Cậu theo học Đại học Princeton và làm cho tờ báo của trường là The Daily Princetonian. Lớn lên trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, cậu quan tâm đến sự giao thoa giữa khoa học máy tính và báo chí, cũng như cách sử dụng công nghệ để nâng cao khả năng kể chuyện đa phương tiện.
"Viết và tự viết vẫn là kỹ năng quan trọng bất chấp thời gian, vì vậy nhà văn và tác phẩm do con người thực hiện luôn có giá trị. AI có thể tốt hơn trong việc 'tạo chữ', nhưng xã hội vẫn yêu thích tác phẩm do con người viết nên", Tian nói.
Bảo Lâm (theo SCMP)