Mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh, đeo khẩu trang N95 kín mít, Huang Yi ra khỏi khuôn viên đại học lúc 5h56 hôm 21/5, lần đầu tiên sau 76 ngày. Cuối cùng, Huang cũng có thể rời Thượng Hải để về nhà ở Thiểm Tây.
"Mọi thứ thật lạ", nữ sinh năm hai Đại học Sư phạm Thượng Hải cho biết khi mô tả những con đường vắng vẻ từ trường đến ga xe lửa Hồng Kiều.
Huang là một trong các sinh viên rời thành phố những ngày gần đây. Các trường đại học ở Thượng Hải đang khuyến khích và tổ chức cho sinh viên về quê, khi thành phố dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã kéo dài hơn 50 ngày qua.
Hầu hết 25 triệu dân của Thượng Hải phải ở nhà từ 1/4. Tuy nhiên, một số khu chưng cư và phần lớn các đại học bị phong tỏa sớm từ giữa tháng ba sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19.
"Thật mệt mỏi khi chỉ quanh quẩn học online, ăn rồi ngủ", Huang nói, cho biết thậm chí còn không được tắm thường xuyên.
Một vài trường đại học hiện đã phát hướng dẫn, cho phép sinh viên rời đi miễn là các tòa nhà họ ở không có ca mắc Covid-19 trong 14 ngày qua.
Một bức ảnh chụp màn hình xác nhận là thông báo chính thức liệt kê 52 thành phố lớn là điểm đến chính và mạng lưới đường sắt được tăng cường để hỗ trợ sinh viên về quê. Bức ảnh hiện được phổ biến rộng rãi trong giới sinh viên các trường.
Đáp lại, một số thành phố đã thông báo cách ly tập trung miễn phí cho sinh viên trở về. Hôm 23/5, thành phố Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên trở thành địa phương mới nhất miễn phí ăn ở trong thời gian cách ly cho sinh viên.
Wang Ying, học viên sau đại học chuyên ngành báo chí và truyền thông ở Đại học Thượng Hải, đặt vé tàu và xin giấy phép trường ngay khi được thông báo về chính sách này hôm 19/5.
Wang sẽ lên đường về Sơn Đông hôm nay. Trước đó, Wang bận rộn đóng gói đồ đạc, chuẩn bị cho hành trình, cũng như liên lạc với địa phương để đảm bảo không gặp trục trặc khi trở về.
"Khi bạn thấy ai đó trao đổi gia vị mì gói trong nhóm WeChat, bạn biết rằng mình đang không có một cuộc sống bình thường. Tôi biết cuộc sống hiện tại của mình cần phải thay đổi, dù đã quen với nó", Wang chia sẻ.
Nữ sinh ngành truyền thông cho hay gần ba tháng sống trong phong tỏa khiến cô kiệt sức.
Nhưng không phải ai cũng có thể lên kế hoạch cho những chuyến về quê một cách suôn sẻ. Không ít sinh viên phải thay đổi dự định rời Thượng Hải vì phí cách ly quá cao ở quê nhà mà họ phải tự trả.
Trong khi số khác trì hoãn do các chính sách địa phương không nhất quán và mơ hồ đối với người trở về. Họ lo sợ tình hình ở Thượng Hải có thể thay đổi trong chốc lát và sợ bị mắc kẹt trong ký túc xá lần nữa.
He Qiqi, sinh viên sau đại học tại Đại học Phục Đán, lên đường về Quảng Châu hôm 23/5. He đã đăng ký cách ly bảy ngày trong khu cách ly do chính phủ điều hành tại thành phố Hoài Châu, quê hương cô. Nhưng chiếc xe buýt được cho là sẽ đón cô đã không đến ga xe lửa. Cuối cùng, He được yêu cầu ở lại một khách sạn ở Quảng Châu cho đến khi được đón.
"Mọi thứ thật lộn xộn trên sân ga", He nói, kể thêm rằng các nhà chức trách ở quê nhà không biết về việc cô trở về cho đến khi nhận được điện thoại.
Trong khi sinh viên rời đi hàng loạt và những người khác đang lên kế hoạch về nhà sau nhiều tháng phong tỏa, một số người quyết tâm ở lại Thượng Hải vì cần hoàn thành các môn học, chờ phỏng vấn việc làm hoặc sẽ bắt đầu đi làm sau khi tốt nghiệp vào tháng 6.
Shen Lingyi, sinh viên năm cuối Đại học Thượng Hải, tìm được việc sau khi nộp 150 chỗ. Thế nên, cô quyết định không về.
"Tôi cảm thấy ổn khi ở lại đây", Shen nói. "Nhưng tôi sợ cuộc sống đại học của mình có thể sẽ kết thúc trong im lặng mà không có bất kỳ lễ kỷ niệm nào".
Còn Wang, cô nói đã sẵn sàng rời Thượng Hải, mặc dù vẫn chưa chuẩn bị tinh thần để chia tay thành phố từng là quê hương thứ hai.
"Tôi ước mình có thể dùng bữa với giáo viên cố vấn trước khi rời đi vì cô ấy đã giúp tôi rất nhiều trong những năm qua", Wang nói. "Nhưng dù có chuyện gì, tôi nói với cô rằng nhất định sẽ quay lại trong tương lai".
Bình Minh (Theo Sixth Tone)