Trung Quốc đang chứng kiến tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và ngày càng nhiều người phàn nàn khó tìm thấy nửa kia của cuộc đời. Theo Bộ Nội vụ, xấp xỉ 9,27 triệu cuộc hôn nhân được đăng ký ở Trung Quốc năm 2019, giảm 8,5% so với năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ kết hôn là 6,6 đám cưới trên 1.000 dân, giảm 0,7 đám cưới trên 1.000 dân so với năm ngoái, mức thấp nhất kể từ 2013.
Trước thực trạng đó, một số đại học ra mắt khóa học hẹn hò và các mối quan hệ. Tại Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT), hơn 1.600 sinh viên đã tốt nghiệp chọn khóa "Tình yêu và hôn nhân, công sở và tính cách". Thực tế do sự nổi tiếng của khóa học, số sinh viên tham gia đông hơn nhiều so với con số công bố.
Zhang Xiaowen, giáo viên khóa học về tình yêu và hôn nhân ở WUT, giải thích: "Khác với lớp 'Tâm lý tình yêu' dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp, chúng tôi khảo sát môi trường làm việc và tình yêu của những người tham gia khóa 'Tình yêu và hôn nhân, nơi làm việc và tính cách'. Nhờ đó, lớp học đi đúng trọng tâm và thực tế hơn".
Những học phần trực tuyến đi cùng hai khóa học do Zhang phụ trách cũng được phổ biến rộng rãi. Kể từ khi lớp học được giới thiệu online cách đây 4 năm trên nền tảng học quốc gia MOOCs, nơi cung cấp nhiều khóa học của cá đại học ở Trung Quốc, hơn một triệu người đã đăng ký. "Tình yêu và hôn nhân, nơi làm việc và tính cách" đứng trong top 3 khóa phổ biến nhất trên nên tảng này. Với kết quả đó, năm 2017, Zhang nhận được danh hiệu nhà giáo nổi bật.
Đầu năm 2007, Đại học Sư phạm Bắc Kinh giới thiệu khóa "Sự phát triển cá nhân và mối quan hệ thân mật" được nhiều sinh viên đón nhận. Tương tự, năm 2013, Đại học Sư phạm Hoa Đông ra mắt khóa "Hôn nhân và tình yêu". Khóa học cũng nhanh chóng trở thành trào lưu trong sinh viên. Trong khi đó, năm 2015, khóa "Tâm lý tình yêu" của Đại học Sư phạm Trịnh Châu có số lượng đăng ký vượt mức dự kiến ngay thời điểm giới thiệu.
Chen Wan, tốt nghiệp Đại học Vũ Hán, từng tham gia các khóa học bắt buộc về tình yêu. Chen tin rằng những khóa về hôn nhân do các trường cao đẳng và đại học cung cấp không chỉ thỏa mãn sự tò mò mà còn làm dịu đi những lo lắng của sinh viên về chủ đề này.
Theo Chen, những năm gần đây, báo chí đăng nhiều bài viết về ngoại tình và bạo hành gia đình khiến mọi người hoài nghi về tình yêu, hôn nhân. Lo lắng này ảnh hưởng tới sinh viên đại học và đó là lý do tại sao các trường mở nhiều khóa học về chủ đề này.
Còn giáo viên Zhang tin nỗi lo lắng đến từ sự phát triển của Internet. Thay vì lên mạng, người trẻ nên dành nhiều thời gian tương tác với thế giới thực hơn để có cuộc sống hạnh phúc.
Bình Minh (Theo People's Daily Online)