Li Siyi là một trong nhiều sinh viên không mong đợi bài kiểm tra chạy 800 m ngoài sân tập của trường vào tháng trước.
"Cả lớp im lặng và ai trông cũng như đang sợ điều tồi tệ nhất. Bước vào vạch xuất phát, tim tôi đập liên hồi. Tôi cảm thấy bất lực và lo lắng trước những nỗ lực thể chất sắp phải đối mặt", Li, nữ sinh năm nhất Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, nhớ lại.
Bài kiểm tra giáo dục thể chất vốn là đề tài ám ảnh trong ký túc xá của Li. Nữ sinh cho hay, môn này không được coi trọng ở tiểu học và trung học. Học sinh thường bỏ qua để tập trung vào các môn yêu thích. Li chưa từng thích giáo dục thể chất.
Li cho hay, bài kiểm tra thể dục có trong kỳ thi tuyển sinh trung học zhongkao, nhưng không có trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia gaokao. Li từng trải qua thời gian chuẩn bị và luyện tập thể chất cho zhongkao ở năm cuối cấp hai. Nữ sinh miêu tả đó là trải nghiệm ám ảnh cô mãi mãi.
Sinh viên đại học Trung Quốc được yêu cầu kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) và dung tích phổi. Nam sinh được kiểm tra nhảy xa, chạy 50 m và chống đẩy, còn nữ sinh là bài sit-ups (bài tập rèn luyện sức bền cơ bụng để tăng cường, làm săn chắc cơ bụng). Mỗi kỳ, nam thi chạy 1.000 m, còn nữ 800 m. Mỗi môn có thang điểm 100 và điểm trung bình của các môn sẽ là điểm cuối cùng của sinh viên.
Năm 2007, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành quy định sinh viên không đạt 50/100 điểm sẽ không được nhận bằng tốt nghiệp. Năm 2019, Bộ tăng yêu cầu này lên 60 điểm. Theo quy định mới, các lớp giáo dục thể chất là bắt buộc với tất cả sinh viên trong bốn năm đại học. Sinh viên cần phải hoàn thành tổng cộng 200 giờ cho môn này nếu muốn ra trường.
Wang Zongping, Viện trưởng Viện Thể thao, Đại học Vân Nam, cho biết quy định mới chỉ đơn giản tuân theo yêu cầu từ lâu của Bộ Giáo dục. Sinh viên khuyết tật hoặc tình trạng sức khỏe không cho phép được miễn các bài kiểm tra.
Nếu thi trượt, các em được phép thi lại nhiều lần. Ông Wang cho rằng yêu cầu đối với các bài kiểm tra là không quá cao, đồng thời nói thêm, các quy định quốc gia đã được hạ xuống 5 lần sau khi được sửa đổi trong nhiều năm.
Theo ông Wang, các mức độ rèn luyện thể chất của sinh viên đại học giảm trong những năm qua. Bằng cách đưa các bài kiểm tra thể dục như một yêu cầu cơ bản để tốt nghiệp, trường đại học thể hiện quyết tâm mạnh mẽ giúp các em phát triển thói quen rèn luyện cơ thể trong bốn năm.
Xiao Mingpeng, sinh viên năm cuối Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, đã không thể vượt qua bài kiểm tra cự ly chạy 1.000 m ở năm thứ nhất nhưng học kỳ này, anh ghi được 70 điểm.
Xiao cho hay đã không quá chú trọng tới các lớp giáo dục thể chất hàng tuần ở trung học do các môn này không có trong kỳ thi gaokao. Xiao ít có thời gian thể dục do chịu nhiều áp lực học tập để thi đại học.
Để cải thiện tình hình và vượt qua các kỳ thi, sau khi đỗ đại học, Xiao tham gia câu lạc bộ cầu lông, bóng chuyền và bơi lội ở trường. Không chỉ vượt qua các kỳ thi thể chất, Xiao còn giảm được 15 kg.
Giới chức giáo dục Trung Quốc đã áp dụng nhiều cách tiếp cận hiệu quả để cải thiện thể chất của học sinh, nâng cao tầm quan trọng của thể thao trong các kỳ thi quan trọng như zhongkao. Vân Nam là đơn vị cấp tỉnh duy nhất tại Trung Quốc yêu cầu môn giáo dục thể chất có cùng trọng số như các môn học thuật khác trong kỳ thi tuyển sinh THPT.
Theo Wang Dengfeng, người đứng đầu Vụ Giáo dục Thể chất, Sức khỏe và Nghệ thuật của Bộ Giáo dục, tầm quan trọng của các lớp học thể dục sẽ được tăng dần trên toàn quốc để phù hợp với các môn trong zhongkao. Giáo dục thể chất cũng được xem xét đưa vào kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia gaokao.
Ông Wang cho hay các trường tiểu học và trung học phải có lớp thể dục mỗi ngày cho học sinh. Trường đại học cũng được khuyến khích có lớp thể chất cho sinh viên sau đại học.
Giáo dục thể chất là môn bắt buộc của học sinh Trung Quốc trong 14 năm, từ lớp một đến năm thứ hai đại học, nhưng ông Wang nói, nhiều học sinh không mặn mà với môn này.
"Nhiều người coi thể dục là môn kém quan trọng và cho rằng học hay không cũng không quan trọng. Chúng ta phải thay đổi tâm lý này", ông Wang cho biết.
Zhao Yang, Phó khoa Thể dục của Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho hay từ năm 2018 đến năm ngoái, chỉ khoảng 1% sinh viên của trường đạt trên 90 điểm trong các bài kiểm tra thể dục và 10% em không đạt.
Để cải thiện tình hình, từ năm ngoái, trường đã bắt buộc các bài kiểm tra thể chất đối với sinh viên, phải vượt qua mới được cấp bằng. Sinh viên không đạt được thi lại nhiều lần và khoa cũng có khóa đào tạo đặc biệt giúp các em đạt được mức đậu.
"Thể dục không đơn giản là để có một cơ thể khỏe mạnh, nó còn giúp sinh viên đối phó với các vấn đề về tinh thần và kiểm soát căng thẳng", Zhao nói.
Bằng việc tham gia các môn thể thao nhóm, các em có thể học cách hợp tác và cạnh tranh. Thành thạo các kỹ năng thể thao cũng dạy cho sinh viên tầm quan trọng của sự kiên trì và giúp phát triển tinh thần cạnh tranh, Zhao giải thích thêm.
Yêu cầu về bài kiểm tra thể chất cần được thực hiện nghiêm túc, song cũng có ngoại lệ với những sinh viên có sự cải thiện đáng kể trong môn thể dục nhưng vẫn không đạt yêu cầu.
"Sinh viên có mức độ thể lực thực sự thấp khi vào đại học có quyền nhận bằng tốt nghiệp, miễn là các em nỗ lực rèn luyện thể lực và thể hiện sự cải thiện đáng kể", trưởng khoa Cui Yingchun nói.
Bình Minh (Theo China Daily)