Ngày 8/4, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận 10 máy sát khuẩn tự động từ trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, giá ưu đãi 900.000 đồng/máy, bố trí tại nhiều khu vực của bệnh viện cho bệnh nhân và nhân viên y tế sử dụng.
Đây là sản phẩm của bốn sinh viên Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Đắc Quy, Phan Ben và Phan Thị Mai thuộc CLB nghiên cứu khoa học BK-Maker, cùng sự hướng dẫn của giảng viên Ngô Đình Thành (Khoa Điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng).
Thầy Thành cho biết, sau ba ngày mày mò nghiên cứu, cả nhóm đã hoàn thành phiên bản máy sát khuẩn tự động đầu tiên và gửi bệnh viện Đà Nẵng sử dụng thử từ ngày 25/3, sau đó lấy ý kiến để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.
Máy được thiết kế gồm mạch điều khiển, các cảm biến, hệ thống phun dung dịch, bình đựng dung dịch, vỏ thiết bị, giá đỡ và các linh kiện điện tử khác. Giá thành bán thương mại khoảng 1,2 triệu đồng.
Theo thầy Thành, cái khó khi làm ra thiết bị này là phải có mẫu mã nhỏ gọn để phù hợp sử dụng trong bệnh viện. Đồng thời, phải đảm bảo phun sương một lượng nhất định cho việc sát khuẩn đôi tay.
Sinh viên Phan Thị Mai (năm 2 Khoa Điện) cho biết do đang trong mùa dịch nên các thành viên cũng gặp nhiều khó khăn khi làm việc nhóm, nhiều lần phải trao đổi, thảo luận từ xa; thiết kế mẫu thiết bị 3D. "Chúng em rất vui vì đã tạo ra được sản phẩm tự động phun sát khuẩn giúp tiết kiệm thời gian, tránh chạm vào thiết bị để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo dịch Covid-19", Mai nói.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, cho biết máy rửa tay sát khuẩn tự động không quá phức tạp khi thiết kế, nhưng phải đáp ứng được nhu cầu của bệnh viện là đưa tay vào là phun nước, đưa tay ra là dừng ngay.
"Đáp ứng được nhu cầu đó nên phía bệnh viện Đà Nẵng đã đặt hàng nhóm nghiên cứu", thầy Vinh nói. Ngoài máy sát khuẩn này, Đại học Bách khoa Đà Nẵng trước đó đã nghiên cứu và bàn giao robot vận chuyển thức ăn cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết máy phun sát khuẩn tự động rất hữu hiệu trong mùa dịch Covid-19, bởi môi trường bệnh viện hàng ngày có hàng nghìn bệnh nhân và nhân viên cần sử dụng.
"Việc rửa tay đúng cách cần có những thiết bị như thế này vì có khả năng tự động hóa toàn bộ. Máy do các bạn sinh viên thiết kế phun bề mặt rất tốt, tiết kiệm vì phun một lượng vừa đủ", ông Nhân nói.