Sự kiện nằm trong chuỗi tọa đàm về khởi nghiệp do khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam tổ chức, quy tụ các doanh nhân và nhà lãnh đạo uy tín đến chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế.
Tiến sĩ Jung Woo Han - Chủ nhiệm cấp cao ngành Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp tại RMIT cho biết, đơn vị muốn trang bị cho sinh viên những hiểu biết hữu ích về cách thích nghi với hệ sinh thái khởi nghiệp đầy thách thức nhưng cũng không kém phần thú vị của Việt Nam. Với chủ đề "Làm sáng tỏ hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam", buổi tọa đàm phân tích điểm mạnh và yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, cũng như chiến lược phát triển.
Hệ sinh thái khởi nghiệp là một mạng lưới bao gồm các yếu tố như thị trường, nguồn nhân lực, vốn, hỗ trợ từ cố vấn, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, giáo dục và các yếu tố văn hóa; có vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển và thành công của các công ty.
Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất Đông Nam Á, đã vươn lên vị trí thứ 56 trong Chỉ số Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024 do StartupBlink công bố, tăng hai bậc so với năm trước.
Tại sự kiện của RMIT, các chuyên gia nêu bật vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy hệ sinh thái này. Theo đó, Chính phủ có thể cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn mới thành lập, bao gồm nguồn lực thiết yếu, cơ hội và môi trường.
Ông Mex Cao - Tổng giám đốc của VOS Advisory cho biết, Singapore đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp với những chính sách hỗ trợ quan trọng và hệ thống pháp lý hiệu quả và mang tính thực thi cao.
"Nước này cũng có chiến dịch tìm kiếm và thu hút các công ty khởi nghiệp và nhân tài từ nước ngoài, đồng thời, khuyến khích lực lượng trong nước mở rộng ra ngoài lãnh thổ", ông phân tích thêm.
Ông Mex Cao nhận định thêm, mặc dù rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp bắt nguồn từ các trường đại học, nhưng sinh viên thường chỉ coi dự án đơn thuần là bài tập thay vì ý tưởng kinh doanh nghiêm túc, giải quyết vấn đề thực tế và tạo ra lợi nhuận. Hơn nữa, các startup trẻ Việt Nam thường thiếu kiến thức thực tế và khả năng tiếp cận các xu hướng công nghệ quốc tế.
Điều này cũng cho thấy các diễn giả nhấn mạnh vai trò của các trường đại học trong việc trang bị kinh nghiệm khởi nghiệp thực tế cho sinh viên.
Theo ông Nguyễn Quang Phúc - Trưởng bộ phận Dịch vụ doanh nghiệp kiêm Giám đốc Tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tại KPMG Việt Nam đề xuất, các đơn vị đào tạo có thể đóng vai trò là cầu nối giữa nhà sáng lập ở giai đoạn đầu với các thành tố hỗ trợ khác trong hệ sinh thái như cố vấn, chuyên gia và nhà đầu tư.
"Các trường đại học có thể hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để giúp sinh viên giao lưu quốc tế nhiều hơn", ông nói thêm.
Ông Jeffrey Nah - Giám đốc điều hành của JN Capital & Development Advisory phân tích, trau dồi kiến thức và kỹ năng thông qua sự cố vấn, huấn luyện của các nhà sáng lập dày dạn kinh nghiệm là điều cần thiết để Việt Nam có thêm nhiều startup giàu tiềm năng. Điều này sẽ giúp thu hút vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, miễn là tỷ lệ rủi ro-lợi nhuận nằm trong khả năng chấp nhận của họ.
Cũng tại buổi tọa đàm này, RMIT Việt Nam đã phát động Thử thách nhà sáng lập tiếp theo 2024 (The Next Founders 2024) để thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong sinh viên.
Cuộc thi kéo dài 10 tuần, mang đến cho sinh viên ngành kinh doanh đang học tập tại trường cơ hội kết nối với các bạn cùng trang lứa đến từ nhiều quốc gia khác, cùng tạo nên ý tưởng kinh doanh bền vững cho tương lai.
The Next Founders 2024 có sự tham gia của hơn 20 đối tác doanh nghiệp cùng các chương trình tài trợ, cố vấn và huấn luyện chuyên sâu. Đội chiến thắng chung cuộc sẽ được hỗ trợ bởi đối tác là trung tâm ươm tạo SPARK Hub nhằm tiếp tục phát triển ý tưởng qua các chương trình tăng tốc khởi nghiệp của trung tâm.
Tiến sĩ Justin Xavier - Quản lý cấp cao phụ trách Dự án và Hợp tác quốc tế tại khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, đơn vị thấu hiểu tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tư duy khởi nghiệp trong thế hệ trẻ. RMIT đặt mục tiêu lớn hơn là trang bị cho sinh viên trải nghiệm thực tế và mạng lưới cần thiết để thành công trong các kế hoạch khởi nghiệp tương lai.
"Bằng cách xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, cung cấp những nguồn lực cần thiết, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng và phát triển, mở đường cho các doanh nhân tương lai thành công ở cả trong nước và quốc tế", ông nói thêm.
Nhật Lệ