Được nghỉ học nhưng không thể về Campuchia thăm gia đình do ảnh hưởng của Covid-19, Vun Liem (24 tuổi, tỉnh Banteaymeanchey) không đi khỏi ký túc xá. Ông nội mất cách đây hơn một tháng, mẹ đang nằm viện khiến Vun Liem lo lắng. Nỗi buồn chỉ vơi bớt khi nam sinh trở thành sinh viên quốc tế đầu tiên từ trước đến nay giành học bổng khuyến khích học tập của trường Bách khoa Hà Nội. "Em chưa từng nghĩ có thể đạt được học bổng này", Vun Liem nói.
Là con út trong gia đình có 5 anh chị em ở tỉnh biên giới giáp Thái Lan, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 400 km, Vun Liem may mắn được gia đình cho học cao, sau khi bốn anh chị đi trước đều chỉ học hết cấp 2, cấp 3. Luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, thậm chí có thành tích học tập xuất sắc từ lớp 10 đến 12, Vun Liem khiến bố mẹ hài lòng.
Năm 2015, nam sinh thi đại học và trúng tuyển vào Viện Khoa học và Công nghệ Campuchia - trường kỹ thuật tốt nhất ở Campuchia. Lên thủ đô Phnom Penh học, cơ sở vật chất, môi trường học tập đều tốt hơn ở quê khiến em thêm động lực. Cũng ở đây, Vun Liem biết về các loại học bổng du học và nuôi ước mơ ra nước ngoài học để được hưởng môi trường tốt hơn.
Năm đó, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo tuyển chọn sinh viên du học Nhật Bản và Việt Nam. Vun Liem đăng ký cả hai. Trượt học bổng du học Nhật, Vun Liem lại giành được học bổng toàn phần, bao gồm cả chi phí ăn ở của Chính phủ Việt Nam để học đại học tại Việt Nam.
Đang học ngành Cơ khí ở trường hàng đầu của Campuchia với mức học bổng 50% do xin được từ nhà tài trợ bên ngoài trường, Vun Liem quyết bỏ ngang, sang Việt Nam học tập. "Đây là mong muốn của em, đặc biệt sau khi đã phải vượt qua kỳ thi với sự tham gia của 600 bạn khác để giành suất học bổng này", nam sinh nói.
Vun Liem được cho một danh sách trường có thể theo học và có hai tuần để chọn trường. Được một người anh đang học tại Việt Nam tư vấn, Vun Liem quyết định đăng ký học ngành Kỹ thuật cơ điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội vì "đây là trường kỹ thuật tốt nhất Việt Nam".
Sang Việt Nam từ tháng 9/2016, Vun Liem có một năm học tiếng Việt ở trường Hữu nghị 80 ở Sơn Tây (Hà Nội). Đó là giai đoạn đầy khó khăn với 9X Campuchia. "Tiếng Campuchia không có dấu còn tiếng Việt có tới 6 dấu. Tiếng Campuchia nói dễ viết khó còn tiếng Việt ngược lại", Vun Liem liên tục nhấn mạnh. Chàng trai phải mất tới 2 tháng mới phân biệt được dấu.
Sau khoảng thời gian đó, em có thể đi chợ mua đồ, biết mặc cả và giao tiếp đơn giản rồi dần dần đọc viết thành thạo. Kết thúc một năm, em được hiệu trường trường Hữu nghị 80 trao danh hiệu sinh viên giỏi tiếng Việt.
Trở về trường Bách khoa Hà Nội học tập với sự tự tin rất cao về khả năng nói và viết tiếng Việt, Vun Liem vấp phải cú sốc đầu tiên. Buổi học đầu tiên ở trường, nghe thầy giảng bài, Vun Liem chỉ hiểu được khoảng 40%. Danh hiệu sinh viên giỏi tiếng Việt mà không thể hiểu được một nửa những gì thầy nói khiến nam sinh thất vọng.
Dần dần em hiểu ra, sinh viên nước ngoài hay nói theo cách viết, nhưng người bản xứ không nói như cách họ viết mà khi nói thường không đúng ngữ pháp thông thường, thiếu chủ ngữ hay một phần của câu chuẩn. Hơn thế, khi học tiếng Việt, Vun Liem tập trung ngữ pháp và chính tả chứ chưa được học nhiều từ chuyên ngành. Cũng vì điều này, cùng với việc phải học nhiều môn gắn liền với Việt Nam như Pháp luật đại cương, Vun Liem chỉ đạt 2.14/4.0 trong năm đầu. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời em bị xếp loại học lực trung bình.
Dưới sự hỗ trợ của bạn bè và thầy cô, Vun Liem dần tiến bộ. Em tìm được phương pháp học tập phù hợp, biết phân bổ thời gian tùy vào độ khó của từng môn, thậm chí biết lên chiến thuật không đăng ký môn khó học vào ngày đầu tuần bởi nếu khởi đầu một tuần bằng môn khó thì sẽ áp lực và chán học cả tuần.
Nhờ đó, năm hai và năm ba, Vun Liem lên được loại khá. Đến kỳ II năm bốn, em đạt 3.84/4.0, cùng điểm rèn luyện 84/100, Vun Liem giành được học bổng khuyến khích học tập mức B (loại giỏi) của trường, điều mà ngay cả nhiều sinh viên giỏi, thậm chí thủ khoa đầu ra của trường cũng chưa đạt được.
PGS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng việc Vun Liem đạt 84/100 điểm rèn luyện là rất đặc biệt vì điểm này đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí về sự tham gia của sinh viên trong các hoạt động xã hội, trách nhiệm cộng đồng, sự tuân thủ pháp luật.
"Các tiêu chí này không có sự phân biệt giữa sinh viên quốc tế hay Việt Nam. Điều này cho thấy Vun Liem hòa nhập rất sâu rộng vào môi trường học tập, xã hội ở trường Bách khoa nói riêng và ở Việt Nam nói chung", ông Hải nói và cho biết Vun Liem hiện là trưởng đoàn sinh viên Campuchia tại trường, thường xuyên gia sư, hướng dẫn ôn tập cho các bạn Campuchia, đồng thời là sinh viên tình nguyện chương trình STEM.
Sắp bước vào năm cuối cùng ở trường Bách khoa, Vun Liem đánh giá việc học ở Việt Nam và Campuchia có nhiều điểm khác, đặc biệt cùng một ngành học, môn học nhưng khối lượng học tập ở Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Em cũng ấn tượng với sự nhiệt tình của giảng viên. Là sinh viên quốc tế, em luôn được thầy cô hỗ trợ. Có cô giáo thường xuyên tâm sự mỗi giờ ra chơi, hỏi thăm xem có hiểu bài không, thậm chí cho em chia sẻ kinh nghiệm học tập với các bạn Việt Nam khi đạt điểm cao khiến em tự tin và có động lực học tập hơn.
Mục tiêu tiếp theo của Vun Liem là tốt nghiệp sớm một kỳ, vào khoảng tháng 2/2022 để được về nước sớm và đón cái Tết đầu tiên sau hơn 5 năm không được ăn Tết ở quê. "Lần cuối em về thăm nhà là tháng 2/2019. Các dịp Tết (gần giữa tháng 4) đều không thể về do trùng với lịch thi giữa kỳ. Nhà em đang có nhiều chuyện nên em cũng muốn sớm hoàn thành việc học để về hỗ trợ gia đình và sớm ổn định công việc", Vun Liem nói.
Học kỳ II năm học 2020-2021, Đại học Bách khoa Hà Nội trao học bổng khuyến khích học tập cho 1.632 sinh viên (trên tổng số hơn 30.000 sinh viên bậc đại học từ khóa K61 đến K65), trong đó 413 em đạt học bổng loại A (cao nhất), 710 em loại B và 509 em loại C. Tổng kinh phí cấp học bổng hơn 23,1 tỷ đồng.