Các đây vài ngày, việc trường Đại học Tài chính - Marketing công bố danh sách gần 2.500 sinh viên nợ học phí năm 2023 lên website, gây chú ý.
Thực tế, nhiều trường cũng làm như vậy, như Đại học Công thương TP HCM, Cần Thơ, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Công nghệ Giao thông vận tải, Đồng Nai... Tùy trường, danh sách mang tên "nợ học phí", "nhắc nhở đóng học phí", hay "cấm thi vì nợ học phí". Thậm chí có khóa sinh viên đã ra trường nhưng thông tin bị nhắc nợ vẫn còn lưu trên mạng.
Theo các sinh viên, việc này đã có từ lâu, song hiện nhiều người ý thức được những rủi ro khi bị "phơi bày" thông tin cá nhân lên mạng nên bức xúc.
Trên các diễn đàn, chủ đề thu hút hàng nghìn lượt tương tác, bàn luận. Đa số cho rằng việc các trường công khai danh sách sinh viên nợ học phí, với họ tên, quê quán, lớp học là cách làm thiếu tế nhị, khiến người trong cuộc xấu hổ, tự ti với bạn bè.
Minh Huyền, sinh viên năm cuối một trường đại học, cho hay buồn vì sự việc bị bàn tán rầm rộ trên mạng. Nữ sinh nói gia đình ở quê có việc đột xuất nên học kỳ vừa rồi chưa thu xếp được tiền đóng học phí.
"Mình cũng làm thêm, mỗi tháng được khoảng 3-4 triệu, nhưng xoay qua xoay lại thì tiền nhà và các chi phí sinh hoạt là hết", Huyền nói.
Thanh Hồng, sinh viên trường Đại học Công thương TP HCM, cho rằng dù ai rơi vào cảnh này cũng cảm thấy xấu hổ. Theo Hồng, "mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh", nhiều sinh viên phải tự trang trải chi phí học hành, sinh hoạt. Việc nợ học phí là điều không ai mong muốn, do đó càng dễ mặc cảm, tự ti khi bị đăng công khai.
"Trường có thể gửi tin nhắn, email hoặc cảnh báo trong tài khoản riêng của sinh viên. Sau một, hai lần không nhận được phản hồi thì có thể yêu cầu cố vấn học tập hay chủ nhiệm lớp tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp xử lý", Hồng đề xuất.
Còn Hoàng Phước, sinh viên năm cuối trường Đại học Tài chính - Marketing, nhìn nhận thông tin cá nhân của người học đã bị xâm phạm, có thể gây rủi ro về sau này.
PGS.TS Quản Thành Thơ, Phó trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng khi thông tin năm sinh, quê quán, lớp học của sinh viên bị đưa lên mạng, kẻ xấu có thể lợi dụng để lừa đảo.
"Cũng không loại trừ việc thông tin cá nhân của các em bị lợi dụng để đăng ký các app cho vay", ông ví dụ.
Về nguyên tắc, theo ông Thơ, thông tin về thân nhân được coi là nhạy cảm, không được phép của chính chủ thì không được lưu trữ, sử dụng. Nhà trường được sinh viên đồng ý cho phép sử dụng dữ liệu cá nhân để quản lý học tập thì phải đảm bảo ít nhất hai yêu cầu: không được sử dụng với mục đích khác và không được chia sẻ cho bên thứ ba.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP HCM, thừa nhận trường mình và nhiều trường khác vẫn đăng danh sách sinh viên nợ, gia hạn học phí, bị xử lý học vụ (cảnh cáo, buộc thôi học) lên website. Nhiều thông tin của sinh viên bị công khai từ mã số, lớp, ngành học, quê quán, ngày sinh, thậm chí cả số tài khoản ngân hàng.
Ông cho biết nhà trường có hệ thống nội bộ, mỗi sinh viên đều có tài khoản để đăng ký học phần, xem thời khóa biểu, bảng điểm, học phí và nhận các thông báo của trường. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không thường xuyên cập nhật.
"Khi đăng danh sách công khai, các em mới đối chiếu hoặc nhắc nhở nhau thực hiện, nên nhiều trường vẫn giữ thói quen đăng cả danh sách lên web. Dù vậy, đây là cách làm chưa đúng", ông nhận định.
Nhanh gọn, hiệu quả có thể là lý do khiến nhiều trường làm như vậy, theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP HCM. Tuy nhiên, trong bối cảnh thông tin cá nhân trôi nổi trên mạng có thể dẫn đến nhiều rủi ro như hiện nay, cách làm này không đúng, lại gây tổn thương cho sinh viên.
TS Nhân cho rằng các trường vẫn có nhiều cách làm để nhắc nhở sinh viên như thông qua tài khoản riêng, qua cố vấn học tập. Những trường hợp nghiêm trọng như buộc thôi học, trường phải gửi thư thông báo về gia đình.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nói trường không cố ý đăng danh sách nợ học phí để đòi nợ hay răn đe, nhưng chưa ý thức được hậu quả.
"Do đó, chắc chắn trường cần thay đổi thói quen thông báo, quản lý sinh viên", ông cho hay.
Lệ Nguyễn
*Tên sinh viên đã thay đổi