Anh không biết làm sao để chiếc bánh ra hình vuông và buộc lạt như thế nào cho đúng dù đã lần thứ ba tham gia hoạt động này tại trường.
"Ngay năm đầu tiên đến Việt Nam, mình được hướng dẫn làm bánh chưng nhưng thực sự rất khó, đòi hỏi phải kỹ thuật. Bánh chưng là món ăn ngon và đặc trưng trong dịp Tết của người Việt", Yazan nói tại chương trình Tết Việt 2020 do Đại học Hà Nội tổ chức ngày 9/1.
Khác với Yazan, Elijah Levon Scharp (quốc tịch Mỹ, tên tiếng Việt là Tuấn) lần đầu được trải nghiệm tìm hiểu văn hóa Tết Việt tại trường. Elijah từng ở Việt Nam bốn năm trước khi về Mỹ sinh sống. Lúc đó, anh là cậu bé 6-7 tuổi, chưa biết Tết như thế nào, chỉ nhớ được nhận lì xì.
Đến hôm nay, sau ba tháng trở lại Việt Nam, Elijah đã hiểu Tết là thời gian mọi người sum vầy bên nhau, cùng dọn dẹp nhà cửa, tiễn ông Táo về trời, bày mâm ngũ quả, chúc tụng nhau hay lên chùa cầu sức khoẻ, bình an.
Cũng tham gia gói chiếc bánh chưng và ăn thử món nem, Elijah cảm thấy thú vị. "Trước đó, mình chỉ biết tới nem, giò chả, bánh chưng qua bài học trên lớp. Giờ mới được trực tiếp làm, thật sự là trải nghiệm đáng nhớ", Elijah nói.
Nam sinh Mỹ còn xin ông đồ hai chữ "bình an" và cùng nhiều sinh viên ở quốc gia khác hát vang bài "Xuân họp mặt". Nhận được lì xì từ cô trưởng khoa, nghe bài chia sẻ về người bạn mang tên "Tết" từ thầy Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng Đại học Hà Nội, Elijah nói nhất định sẽ ở lại Việt Nam, thăm thú một số tỉnh miền núi phía Bắc để tìm hiểu văn hóa trong dịp Tết Canh Tý 2020.
"Tết Việt" là chương trình thường niên do Đại học Hà Nội tổ chức nhằm giúp sinh viên nước ngoài hiểu hơn về Tết nguyên đán ở Việt Nam. Hiện, trường có khoảng 1.000 lưu học sinh đến từ 30 quốc gia. Hầu hết học tập tại khoa Việt Nam học. Năm nay, hơn 200 em sẽ ở lại đón Tết tại Việt Nam.
Tham gia chương trình, sinh viên được múa, hát các bài về Tết, mùa xuân, chơi trò chơi tìm hiểu Tết Nguyên đán, nhảy sạp, dựng cây nêu, xin câu đối.