Năm 2020, sự thiếu hụt lao động trong 10 lĩnh vực sản xuất chính của Trung Quốc ước tính là hơn 19 triệu người. Nhưng bất chấp sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu việc làm, sinh viên tốt nghiệp từ cao đẳng nghề thường không ứng tuyển vào các nhà máy, xưởng sản xuất và coi đó là lựa chọn cuối cùng.
Phía nam tỉnh Giang Tô được mệnh danh là "công xưởng" - vùng trọng điểm cho giáo dục dạy nghề tại Trung Quốc. Ở đây, những cải cách trong phát triển công nghệ sản xuất ở các nhà máy khu vực đô thị Tô Châu - Vô Tích - Thường Châu đã vượt qua hầu hết nơi khác trên cả nước.
Tuy nhiên, những sinh viên tốt nghiệp gần đây từ các trường cao đẳng nghề hàng đầu của Vô Tích lại muốn tiếp tục học lên cao hơn, hoặc muốn tìm những công việc với mức lương tốt chứ không muốn làm trong ngành sản xuất với mức lương dưới trung bình.
Hôm 22/6, Viện Công nghệ Vô Tích (WXIT) tổ chức hội chợ việc làm, thu hút hàng chục nhà tuyển dụng tham gia. Tuy nhiên số lượng sinh viên nghề tìm đến lại vô cùng ít; chỗ ngồi tại hầu hết gian hàng đều trống.
Sau khi thử nhiều cách tiếp cận sinh viên, Wang - giám đốc nhân sự của một công ty thiết bị hóa xăng dầu - cho biết cô không nhận được bất kỳ hồ sơ xin việc nào.
Nhân viên vận hành máy móc điều khiển bởi máy tính (CNC) là một trong số các vị trí tuyển dụng mà Wang hy vọng có thể tìm thấy sau hội chợ. Đây là vị trí có thời gian tuyển dụng kéo dài tới vài tháng do yêu cầu kỹ thuật và chuyên môn cao. Tuy vậy, cô đặt niềm tin vào WXIT nổi tiếng với lợi thế cạnh tranh trong giáo dục sản xuất cơ khí và công nghệ CNC.
"Trước đây, trong các hội chợ như vậy, sinh viên thường tỏ ra lo lắng khi gặp nhà tuyển dụng. Với dáng vẻ tự ti, họ đi xung quanh để cố gắng bắt chuyện với chúng tôi. Các sinh viên rất mong muốn tìm được việc làm", Wang kể lại. "Nhưng bây giờ thị trường đã thay đổi - các nhà máy sản xuất không còn giữ được ưu thế như xưa. Nếu chỉ ngồi một chỗ mà không chủ động tiếp cận sinh viên, chúng tôi sẽ không nhận được đơn xin việc nào".
"Khó khăn trong việc tuyển dụng diễn ra từ lâu, nhưng năm nay, ứng viên giảm mạnh. Ví dụ như chúng tôi không có đủ nhân sự giám sát chất lượng. Chúng tôi từng có thể lấp đầy các vị trí tuyển dụng như vậy trong khoảng một tháng. Bây giờ, sau hai tháng tìm kiếm vẫn không có ứng viên nào".
Năm nay, hai người bạn cùng phòng Peng Kai và Feng Yu tốt nghiệp WXIT ngành sản xuất cơ khí và tự động hóa. Cả hai đều đã đỗ kỳ thi zhuanshengben - cuộc sát hạch để sinh viên cao đẳng được học lên đại học, nhưng họ vẫn tham gia Hội chợ việc làm hồi tháng 6.
"Tôi chỉ tới để xem qua thôi", Peng Kai nói "Tôi nghĩ không khó gì để tìm được việc làm trong các nhà máy sản xuất". Trong khi đó, Feng Yu định tìm một việc làm thực sự.
Là học viên lành nghề, Feng hy vọng tìm được một công việc tốt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo máy. Từ tháng 4, anh đã đi khắp nơi để tìm việc. Vì vậy, Feng tham dự hội chợ WXIT, nộp đơn vào khoảng hơn chục công ty và trải qua các cuộc phỏng vấn với một nửa trong số đó. Nhưng sau khi nhận được một vài lời mời, Feng từ chối tất cả.
"Có việc thì lương thấp quá, có việc lại không phù hợp. Tôi cũng không nhìn thấy nhiều cơ hội thăng tiến ở những vị trí này. Tôi chỉ có thể kiếm được tối đa 5.000-6.000 nhân dân tệ (17 - 21 triệu đồng) sau 2-3 năm làm việc trong khi kỳ vọng của tôi là 8.000 - 10.000 tệ.
Theo Zhu Jiayi - người đứng đầu trung tâm dịch vụ hướng nghiệp của WXIT - cho biết, mỗi năm Viện tổ chức 5 hội chợ việc làm. "Khoảng 20 hoặc 30 công ty trong hội chợ việc làm tháng 6 cũng từng tham gia các hội chợ trước đó. Điều này cho thấy rằng họ chưa tuyển đủ. Về cơ bản, các doanh nghiệp sản xuất chiếm đa số tại các hội chợ việc làm. Với những đơn đặt hàng lớn cần hoàn thành, họ xuất hiện thường xuyên hơn", cô nói.
Theo Zhu, hầu hết sinh viên tốt nghiệp không làm việc tại các dây chuyền sản xuất yêu cầu nhiều sức lao động. Họ chịu trách nhiệm chính trong việc bảo trì thiết bị trên dây chuyền sản xuất tự động hoặc làm công việc kiểm tra và giám sát chất lượng.
Zhu cho biết đã chứng kiến sự thay đổi lựa chọn giữa các sinh viên: "Kể từ năm 2013, những người chọn đi học đại học thay vì đi làm đã tăng lên đáng kể".
Trong một thập kỷ qua, sự tăng cường chú trọng vào tự động hóa đã tạo ra những công việc mới với các yêu cầu nhất định về kỹ năng. Năm 2010, Qian Xiaozhong - giám đốc Phòng hợp tác doanh nghiệp của WXIT - dẫn đầu một nhóm giáo viên nghiên cứu hơn 200 doanh nghiệp sản xuất ở Đồng bằng sông Dương Tử.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng hợp tác với các trường trung học nghề bởi họ nghĩ học viên các trường này không thể đáp ứng được yêu cầu của họ. Dựa vào nghiên cứu trên, WXIT đã quyết định tập trung vào đào tạo các ngành học kết hợp công nghệ với hệ thống sản xuất thông minh trong các nhà máy.
WXIT đã xây dựng các kế hoạch cải tiến kỹ thuật cho các doanh nghiệp khác nhau. Ví dụ như vài năm trước đây, WXIT thiết kế cơ sở lưu trữ tự động cho nhà máy ở Thường Thục. Trong một lần hợp tác khác, Viện Công nghệ Vô Tích đã nâng cấp giao diện người dùng của phần mềm quản lý cơ sở lưu trữ.
Sự chuyển hướng này đã đem lại hiệu quả rõ ràng. Mỗi năm, Viện Công nghệ cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho hơn 200 doanh nghiệp, hầu hết là các doanh nghiệp thuộc khu vực Đồng bằng sông Dương Tử.
Theo Qian, các viện công nghiệp có thể trở thành mô hình hợp tác cao cấp giữa các trường cao đẳng và doanh nghiệp. Trong mô hình này, các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, nguồn nhân lực và các tài nguyên khác vào các viện để đào tạo. Một trong những mô hình đó chính là Viện Công nghiệp Bản sao Kỹ thuật số Siemens được khởi công xây dựng vào năm ngoái.
"Công nghệ của Viện Siemens rất phổ biến trong lĩnh vực sản xuất, chúng tôi hy vọng dưới sự giúp đỡ của họ có thể nâng cao tri thức của giáo viên về công nghệ mới. Tiếp đến là đưa chúng vào chương trình giảng dạy của các trường", anh Qian nói.
"Trong vài năm qua, chúng tôi đã thu hút được đội ngũ giảng viên với nhiều người trẻ tốt nghiệp bậc tiến sĩ có thể cung cấp cho Siemens sự hỗ trợ về kỹ thuật". Kinh phí thực hiện mô hình này được Viện và các doanh nghiệp đồng thời chi trả.
Anh Qian bày tỏ: "Điều mà chúng tôi hy vọng rằng sẽ có thể có được là một chương trình trao đổi - chúng tôi cử giáo viên đến làm việc, họ cử những kỹ sư đến dạy cho học sinh của chúng tôi".
Anh hy vọng rằng các kỹ sư đầu ngành có thể đến làm việc tại Viện Siemens trong ít nhất sáu tháng cho tới một năm trên cơ sở luân phiên nhau, đồng thời tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình cơ bản cho giảng dạy về lâu về dài.
Mô hình kết hợp chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo trong các cao đẳng dạy nghề vì thế được kỳ vọng là giải pháp thu hút sinh viên tốt nghiệp tới các công xưởng, nhà máy trong tương lai.
Nhung Anh (Theo Sixth Tone)