Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
Theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP HCM (HSIA), từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Trong đó, khu vực TP HCM chiếm khoảng 53% nhu cầu tuyển dụng.
PGS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết ngành vi mạch ở Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư, tại 50 công ty, chủ yếu là kỹ sư thiết kế vi mạch. Mỗi năm, những công ty này cần tuyển mới khoảng 150-200 kỹ sư.
Tuy nhiên, nhiều công ty lớn, nổi tiếng thế giới như Infineon, Renesas, Marvell, Samsung đang định mở thêm văn phòng, nhà máy ở khu vực phía bắc. Vì vậy, ông Minh dự đoán thời gian tới, mỗi năm các doanh nghiệp cần tuyển mới khoảng 250-300 kỹ sư cho ngành thiết kế vi mạch.
Ở trường Đại học Bách khoa TP HCM, gần như mỗi tuần đều có công ty đến khoa Điện - Điện tử tìm kiếm nhân sự thiết kế vi mạch. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận với sinh viên ngay từ năm thứ hai, ba thông qua những suất thực tập, công việc bán thời gian, học bổng.
"Chúng tôi hay nói với doanh nghiệp nếu đợi sinh viên tốt nghiệp mới đến tuyển thì đã quá trễ", PGS Đỗ Hồng Tuấn, trưởng khoa, cho biết.
Theo TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM, thậm chí một số doanh nghiệp ở Đông Nam Á cũng muốn tuyển nhân sự tại Việt Nam.
"Ngành này ngày càng khát nhân lực và hứa hẹn bùng nổ trong một vài năm tới", TS Khang cho hay.
Khảo sát của HSIA cho thấy kỹ sư Thiết kế vi mạch mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng một tháng. Kỹ sư có 1-3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15-30 triệu đồng. Sau 6 năm, họ nhận lương trung bình 0,6-1 tỷ đồng mỗi năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ mỗi năm.
Ở Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS Minh, cho biết 100% sinh viên định hướng thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới khoảng 15-20 triệu đồng, tương đương ngành Công nghệ thông tin. Còn nếu theo nghề 5-10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp rưỡi Công nghệ thông tin, lên tới 2.500-3.000 USD một tháng (60-70 triệu đồng).
"Công việc của một kỹ sư thiết kế vi mạch khó hơn, các công ty cũng khó đào tạo nhân lực ngành này nên quyết giữ người có kinh nghiệm. Đây là điểm khác biệt với ngành Công nghệ thông tin", ông Minh lý giải.
Hiện, Thiết kế vi mạch nằm trong chương trình đào tạo ngành Viện Điện tử - Viễn thông hoặc Vật lý kỹ thuật ở Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Bách khoa, Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM). Một số trường vừa công bố mở ngành Thiết kế vi mạch trong tháng 9 như trường Đại học Công nghệ thông tin TP HCM, Đại học FPT.
Sinh viên ngành Thiết kế vi mạch của trường Đại học Công nghệ thông tin được học kiến thức cơ sở ngành bán dẫn, điện tử, máy tính, công nghệ thông tin và chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch, cùng kiến thức về kỹ năng mềm khác.
Tốt nghiệp, sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch.
Ngoài ra, để tham gia các dự án tại doanh nghiệp, sinh viên còn được học kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế, mô phỏng và đánh giá kiểm tra từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens (Mentor Graphics), Xilinx.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS Nguyễn Đức Minh, cho biết từ nhiều năm nay đã có một số ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực thiết kế - chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn như Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano.
"Các chương trình đào tạo trên có thể cung cấp cho sinh viên đầy đủ kiến thức cho toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp vi mạch từ thiết kế đến chế tạo, kiểm thử và cả vật liệu vi điện tử", ông Minh nói.
Riêng với chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, sinh viên được trang bị các khối kiến thức về Toán học và khoa học cơ bản, Điện tử - Viễn thông, kiến thức xã hội và kỹ năng mềm trong ba năm đầu. Một số môn tiêu biểu là Toán, Vật lý, Lập trình, Mạch điện tử, Cấu trúc máy tính, Xử lý tín hiệu và thông tin.
Từ năm thứ tư, sinh viên bước vào chuyên ngành Thiết kế vi mạch. Sinh viên được học về Hệ thống nhúng và thiết kế giao tiếp nhúng, Cơ sở công nghệ vi điện tử, Thiết kế mạch tích hợp cỡ lớn VLSI, Thiết kế IC tương tự (Analog IC Design), Kiểm chứng và kiểm tra vi mạch (IC Verification and Testing).
Nhìn chung, sinh viên được trang bị toàn diện, cả về chuyên môn và kỹ năng mềm để có thể thiết kế, chế tạo vi mạch, đáp ứng được yêu cầu về tính năng động và sáng tạo của nghề nghiệp này.
PGS Minh cho biết sau khi tốt nghiệp, sinh viên thường đảm nhận vị trí kỹ sư thiết kế vi mạch, kiểm thử và đóng gói. Về sản xuất, Việt Nam hiện chưa có công ty nào sản xuất được lõi vi mạch mà mới tập trung vào việc đóng gói, kiểm thử. Trước mắt, các công ty chỉ cần kỹ sư cho quy trình này.
Theo TS Khang, thiết kế vi mạch có nhiều công đoạn, vị trí việc làm. Trong giai đoạn gần đây, nhu cầu vị trí kiểm tra, kiểm thử thiết kế và lĩnh vực liên quan đến thiết kế vật lý đang tăng cao. Ngoài ra, các công việc liên quan đến thiết kế logic, thiết kế số cũng thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp.
Học phí các ngành này tại trường Đại học Công nghệ thông tin, Bách khoa, Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) và tại Đại học Bách khoa Hà Nội đều dao động quanh mốc 30 triệu đồng một năm với chương trình chuẩn.
Lệ Nguyễn - Dương Tâm