Tại Diễn đàn nguồn nhân lực ngành Bất động sản, chiều 12/8 tại TP HCM, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết cả nước có khoảng 20 trường đại học đào tạo ngành này, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm ở mỗi trường khoảng 100-200 sinh viên. Trong khi đó, riêng hai tập đoàn lớn trong nước đã có quy mô nhân sự hơn 100.000 người.
Vì thế, hiệp hội nhận định số được đào tạo rất ít so với nhu cầu. Phần lớn lao động trong ngành là người từ lĩnh vực khác chuyển sang, tự học nghiệp vụ hoặc được doanh nghiệp bồi dưỡng.
"Nguồn nhân lực ngành bất động sản chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu. Nhân sự mang tính bản năng, thiếu kiến thức pháp luật-xã hội, trải nghiệm do không được đào tạo chuyên nghiệp, đa phần là nghề truyền nghề", ông Lê Nhật Thanh, Giám đốc Vận hành của An Gia Group, nêu ý kiến.
Ông cho hay thị trường hiện có nhu cầu rất lớn với những nhân sự chuyên nghiệp từ đầu tư, thiết kế sản phẩm, kinh doanh bán hàng, đến quản lý, khai thác bất động sản.
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản công nghiệp, nói bất động sản đứng thứ hai trong 18 ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Vì thiếu nguồn nhân lực có chất lượng nên giá trị thực tiễn, sự liên kết giữa đầu tư trong và ngoài nước hạn chế.
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản, điều này xuất phát từ việc người môi giới gia nhập thị trường một cách tự do, không cần bằng cấp, kinh nghiệm. Mỗi khi bất động sản, đất đai lên cơn "sốt", nhiều người đổ xô đi kinh doanh, môi giới. Năm 2019, thị trường có 300.000 người môi giới nhưng chỉ 10% có chứng chỉ.
PGS Nguyễn Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng đây là lý do khiến các trường đại học khó tuyển sinh ngành bất động sản.
Bà chỉ ra thực tế nhiều người chỉ cần đi học một khóa đào tạo hành nghề ngắn hạn là được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản. Quá trình hành nghề của những người này ra sao không ai hậu kiểm. Trong khi, sinh viên học 4 năm ra trường chưa chắc đi làm được ngay.
"Thị trường dễ dãi như vậy thì người có nhu cầu chọn học vài tháng cho nhanh, việc gì phải ngồi ở trường đại học 4 năm", PGS Phương nói, thêm rằng có trường hợp sinh viên năm thứ nhất bỏ học gia nhập vào thị trường ngay khi có cơn "sốt" đất ở quê.
Do đó, bà cho rằng các doanh nghiệp cần gắn kết với trường đại học. Nhân lực giỏi không có sẵn trên thị trường, mà phải được đào tạo, không thể lúc cần thì doanh nghiệp tìm đến trường và nói rằng nhân lực thiếu, yếu, còn lúc không cần thì bỏ đi.
PGS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đồng tình với ý kiến này vì doanh nghiệp được hưởng lợi từ kết quả đào tạo của trường. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đặt hàng trường đào tạo để nhận được đội ngũ nhân lực chất lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Bà Ngọc cho biết trong thời gian tới Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ trình đề án nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. Cơ quan quản lý sẽ quy định về tiêu chuẩn, chứng chỉ, kỹ năng của nhiều ngành, nghề trong đó có bất động sản.
Hiện, sinh viên ngành bất động sản ở các trường thường được đào tạo kỹ năng thu thập thông tin và phân tích thị trường bất động sản, triển khai các dịch vụ sàn giao dịch và môi giới, thẩm định giá và quản lý bất động sản. Bên cạnh đó, sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính, luật, kinh doanh, quy hoạch.
Về học phí, ngành Bất động sản ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân khoảng 20 triệu đồng một năm, Đại học Tài chính - Marketing thu khoảng 25 triệu đồng, Đại học Nông Lâm TP HCM khoảng 22 triệu đồng. Trong khi đó, trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM khoảng 80 triệu đồng một năm với sinh viên ngành này.
Lệ Nguyễn