Google đã làm việc với Công ty Labster để tạo ra 30 phòng thí nghiệm ảo. Thay vì sử dụng kính bảo hộ an toàn trong phòng thí nghiệm, sinh viên dùng kính VR của Google hoặc tai nghe Lenovo Mirage để thực hành trong không gian ảo. Dự án này được thiết kế cho sinh viên ngành sinh học với các thí nghiệm về gen, tế bào học và chiết xuất RNA. Labster đã làm các phòng thí nghiệm ảo cho việc học tập từ xa từ năm 2013, nhưng tập trung chủ yếu vào máy tính. Phát minh lần này được kỳ vọng là bước nhảy vọt lên VR và kích thích sự sáng tạo của sinh viên.
Penny Stone, sinh viên Đại học tiểu bang Arizona, một trong những người đầu tiên sử dụng những phòng thí nghiệm ảo trên, cho biết: "Phòng thí nghiệm thật có hạn chế đối với những gì bạn có thể thấy và làm. Nhưng trong thực tế ảo, chúng có thể bật các mô hình phân tử 3D này trước mắt, bạn có thể di chuyển chúng đi xung quanh và giải mã chúng".
Stone đang lấy bằng sinh học tại Đại học tiểu bang Arizona, trường đầu tiên sử dụng những phòng thí nghiệm ảo của Google. Stone có con nhỏ và công việc toàn thời gian trong lĩnh vực bảo mật, vì vậy cô lấy bằng sinh học từ xa. Cô là một trong 30 sinh viên thuộc chương trình khoa học sinh học trực tuyến của trường được thử nghiệm tai nghe trong học kỳ vừa qua. Theo đó, sinh viên có thể mượn một tai nghe Lenovo miễn phí hoặc mua riêng với giá 400 USD đồng thời trả khoản phí từ 50 USD cho phòng thí nghiệm của các lớp học ảo.
Khóa học VR đầu tiên của Stone là bài học an toàn trong phòng thí nghiệm. Trong không gian ảo, cô bị thả xuống một phòng thí nghiệm chứa đầy thiết bị và hóa chất. Khung cảnh trông giống như trò chơi điện tử hơn là một phòng thí nghiệm thực sự. Stone điều hướng bằng cách sử dụng một điều khiển từ xa cầm tay, hoàn thành các nhiệm vụ như mặc áo khoác và đeo găng tay trong phòng thí nghiệm.
Không giống như một phòng thí nghiệm ngoài đời thực, phiên bản thực tế ảo của lớp học này buộc sinh viên phải phạm sai lầm. Một bài học yêu cầu sinh viên đổ axit, sau đó làm sạch nó không đúng cách và bị axit thổi ngược vào mặt. Màn hình VR sẽ mờ đi khi người học chạy đến trạm rửa mắt. Tại những lớp học khác, sinh viên học về đo hô hấp tế bào của người chơi bóng rổ hoặc thử nghiệm virus trên chuột.
Các phòng thí nghiệm ảo thiếu các tính năng như tương tác xã hội, khả năng chạm và trải nghiệm thực tế. Ngoài những hạn chế này, làm việc trong thí nghiệm ảo có những lợi thế như có thể thao tác hoặc đi sâu vào tế bào và DNA hay thực hành thí nghiệm với động vật ảo thay thế cho động vật thật.
Stone hy vọng trong tương lai, công nghệ thực tế ảo có thể đưa nhiều sinh viên vào cùng một phòng thí nghiệm, cho phép sinh viên trực tuyến tương tác với nhau.
Những lớp học sử dụng công nghệ thực tế ảo này sẽ sớm có mặt tại MIT, Đại học Texas ở San Antonio và nhiều trường khác. "Thực tế ảo có thể là một nguồn lực mạnh mẽ cho các sinh viên để có thể phát huy khả năng thực tiễn", đại diện Google cho biết.
Học tập trực tuyến đã trở thành một phương thức cung cấp giáo dục tiêu chuẩn tại nhiều trường đại học ở Mỹ. Tuy nhiên, không phải bài giảng nào cũng có thể chuyển đổi nội dung sang phương thức học trực tuyến thông thường để giúp sinh viên lấy bằng từ xa (ví dụ bài thực hành). Đại diện Goolge cho rằng, sự ra đời của lớp học với thực tế ảo là một giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Hiền Mai - ĐH trực tuyến FUNiX (theo CNN)
Ứng dụng công nghệ là xu hướng chung của giáo dục trên thế giới. Là trường học trên nền tảng Cloud, ĐH trực tuyến FUNiX tiên phong về công nghệ giáo dục tại Việt Nam với cách học hoàn toàn trực tuyến, cho phép sinh viên học từ mọi thiết bị có kết nối Internet vào bất kỳ thời gian nào trong ngày.
Đại diện FUNiX khẳng định, các ứng dụng công nghệ tiến bộ như AI, Big Data, VR... sẽ trở thành tương lai của nền giáo dục toàn cầu.