Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ năm, 18/5/2023, 06:16 (GMT+7)

Sinh viên lần đầu học phục chế sách cổ

Sinh viên ngành Hán Nôm, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM được học cách tu bổ, phục chế sách xưa, là môn lần đầu được giảng dạy trong trường.

Ngày 16/5, tại phòng học ở tòa nhà điều hành, phường Linh Trung, Thủ Đức, giảng viên thỉnh giảng Bùi Tiến Phúc hướng dẫn cho 15 sinh viên chuyên ngành Hán Nôm, khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cách tu bổ từng trang sách cổ.

Đây là một phần trong môn học kéo dài 30 tiết - Kỹ thuật phục chế tư liệu Hán Nôm. Năm nay, môn này lần đầu được đưa vào chương trình giảng dạy tại khoa.

Phó giáo sư Lê Quang Trường, Trưởng khoa Văn học, cho biết trước kia nhà trường chưa đủ điều kiện giảng dạy nên sinh viên thường được quan sát ở Viện nghiên cứu Hán Nôm hoặc Thư viện Tổng hợp.

"Môn học này giúp sinh viên tích lũy thêm tư liệu, kiến thức thực tế hơn trong nghiên cứu, bảo tồn di sản", ông Trường nói.

Giảng viên 34 tuổi cho biết, sinh viên sẽ được nghiên cứu các tư liệu xưa trên chất liệu giấy, kỹ thuật đóng sách, cách giải thể để số hóa, phục chế và tu bổ sách Hán Nôm.

"Chúng ta có nhiều cách để lưu giữ nội dung trong những tư liệu cổ như scan, chụp hình, photo... Tuy nhiên với tài liệu gốc, nếu không giữ thì sẽ mất luôn những gì còn sót lại đó", ông Phúc nói với sinh viên.

Sinh viên cảm nhận độ mỏng của giấy lót trang sách trước khi thực hành. Các nguyên vật liệu cần thiết như giấy bồi, hồ dán, kim chỉ, máy đóng sách... được giảng viên chuẩn bị đầy đủ trước mỗi tiết học.

Nhóm sinh viên trải nghiệm cách pha chế hồ, một trong những bước đầu tiên khi tu bổ sách. Những tiết trước đó các em đã học cách phân biệt giấy, tháo rời, vệ sinh, khâu sách.

Trần Thị Bảo Trân, áo trắng cùng bạn đặt trang sách lên mặt bàn rồi phủ bằng tờ giấy bồi siêu mỏng, được dán bằng hồ.

"Các quy trình tu bổ sách xưa không quá phức tạp nhưng khi thực hành mới thấy cần phải rất tỉ mỉ, khéo léo để không làm hỏng dù chỉ một chữ trong đó", nữ sinh viên năm thứ ba, nói.

Sau khi bồi giấy, một nhóm khác xịt nước, dùng cọ quét thêm lần nữa.

Sinh viên dùng ngón tay chỉnh vị trí nối của trang sách cho chính xác.

Lớp trưởng Phạm Hoàng Anh dùng nhíp bóc gỡ những chi tiết bị dính vào trang sách đang tu sửa. Nữ sinh nói môn học có nhiều kiến thức khác biệt và mới mẻ.

"Lần đầu được tự tay tu bổ sách xưa thấy rất thú vị, giúp mình rèn luyện thêm tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và hiểu thêm văn hoá truyền thống", Hoàng Anh cho hay.

Sau khi sửa chữa, phục chế, từng trang sách được khâu lại cẩn thận.

Cuối cùng, sách được phơi khô, đóng lại thành tập, sạch sẽ, cứng cáp hơn mà vẫn giữ được nguyên bản gốc.

Để việc thực hành hiệu quả hơn, sinh viên Lê Thị Kim Tuyền quay lại đầy đủ các công đoạn phục chế sách từ giảng viên.

Theo giảng viên Tiến Phúc, do lần đầu tiếp xúc, phục chế thủ công nên thao tác của sinh viên còn vụng về, nhưng dần các em cũng quen và thích thú với bộ môn này.

Quỳnh Trần