Từ đầu năm 2024, nhóm sinh viên Trần Quảng Tín, Nguyễn Y Bin, Vũ Thái Bình Dương, Nguyễn Văn Phú Quí và Võ Hoàng Nhật Trường, đang học năm 1 và 2 khoa Công nghệ Thông tin bắt đầu phát triển sản phẩm. Thiết bị hỗ trợ có dạng hình hộp chữ nhật, gắn ở các khu vực như cổng ra vào, khu chờ lên máy bay, nhà ăn... nơi hành khách dễ nhận biết.
Hộp thông minh được thiết kế hệ thống nhúng hoạt động như một máy tính thu nhỏ, với phần mềm gồm ba chức năng: ra lệnh giọng nói, mở bản đồ để robot dẫn đường đi, tra cứu thông tin giúp hành khách tìm lịch trình chuyến bay và các thông tin phục vụ nhu cầu du lịch, đi lại. Các thao tác được sử dụng trên màn hình LCD gắn trước hộp.
Khi hành khách tiến lại gần chiếc hộp, một cảm biến siêu âm sẽ nhận dạng và bật chế độ phục vụ. Người dùng sẽ ra lệnh bằng giọng nói thông qua micro gắn trên thiết bị. Khi hành khách có nhu cầu tìm kiếm cửa ra máy bay, nhà vệ sinh, khu vực y tế... hộp sẽ truyền tín hiệu cho xe robot ở phía dưới di chuyển dẫn hành khách đến khu vực họ muốn. Hệ thống có thể chỉ dẫn theo hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.
Theo trưởng nhóm Trần Quảng Tín, thực tế tại nhiều sân bay có các bảng chỉ dẫn, màn hình thông báo để hỗ trợ thông tin cho hành khách. Tuy nhiên, với những hành khách lần đầu đến sân bay, đặc biệt là người nước ngoài, họ sẽ gặp khó khăn vì không thông thuộc sơ đồ trong nhà ga. Với người khuyết tật đi lại khó khăn cần được hỗ trợ nhiều hơn. Nhóm mong muốn có hệ thống IoT hỗ trợ chuyên nghiệp, chính xác giảm chi phí hạ tầng, con người trong sân bay. "Một số sân bay tại Hàn Quốc, Nhật Bản đã có các hộp hỗ trợ hoặc robot hướng dẫn thông tin, xách hành lý cho khách. Nhóm muốn phát triển hệ thống tương tự để nâng cao tính hiện đại, chuyên nghiệp trong sân bay", Tín nói.
Nhóm lựa chọn sân bay quốc tế Cần Thơ để thiết kế mô hình hỗ trợ bằng hộp thông minh. Vũ Thái Bình Dương là thành viên phụ trách tìm kiếm thông tin trên internet, kết hợp ghi nhận thực tế để thiết kế lại các khu vực cần hỗ trợ như nhà vệ sinh, khu y tế, cửa ra máy bay... tại sân bay này, sau đó vẽ lại trên máy tính để xây dựng mô hình đường đi, chỉ dẫn.
Theo Trần Quảng Tín, phần khó nhất khi thiết kế hộp là phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) để cho kết quả chính xác nhất ở chức năng tra cứu thông tin. Nhóm sử dụng nguồn dữ liệu được huấn luyện sẵn cung cấp trên internet, sau đó phân loại các trường thông tin, chủ yếu phục vụ tra cứu thông tin ở sân bay, các địa điểm du lịch.
Về tính năng chỉ đường, hiện do thử nghiệm ở sa bàn nên hộp thông minh chỉ kết nối với xe robot dẫn đường thông qua sóng bluetooth. Với quy mô sân bay lớn, nhóm nghiên cứu sử dụng sóng vô tuyến để phạm vi kết nối xa hơn. "Sắp tới, nhóm sẽ tích hợp tính năng chỉ đường bằng ứng dụng di động. Khi hành khách yêu cầu đi đến vị trí nào đó trên hộp, màn hình sẽ hiện mã QR. Người dùng quét mã để ứng dụng di động sẽ mở bản đồ nhà ga và chỉ dẫn đến vị trí họ cần tìm", Tín chia sẻ. Điều này khắc phục trường hợp nhiều người sử dụng hộp thông minh cùng lúc cho nhu cầu tìm đường và các robot dẫn đường không đáp ứng kịp. Thử nghiệm trên sa bàn, nhóm đánh giá hệ thống hoạt động ổn định, độ chính xác trên 95%.
Thạc sĩ Nguyễn Thái Sơn, Giảng viên khoa công nghệ thông tin, Học viện Hàng không Việt Nam đánh giá, sản phẩm của nhóm mang tính ứng dụng cao, trong bối cảnh nhiều sân bay trên thế giới đã có các hệ thống tự động, robot hỗ trợ khách đi máy bay. Tuy nhiên, sản phẩm đang dừng lại ở thử nghiệm trên mô hình sa bàn.
Ông cho rằng, nhóm cần nâng cấp hệ thống phần cứng, dùng mạng riêng kết nối các thiết bị IoT để sản phẩm hoạt động ổn định hơn. Ngoài ra, về phương thức giao tiếp sử dụng sóng vô tuyến cần được cấp phép để có tần số hoạt động. "Hộp thông minh có thể phát triển thành robot hỗ trợ trong sân bay để tăng tính kết nối với khách hàng. Để làm việc này cần bố trí lại các bộ phận, chi tiết và thiết kế hình dáng robot sao cho phù hợp", thạc sĩ Sơn nói.
Hà An