Biết đến dự án "Học cùng chiến binh nhí" trên Facebook của khoa Toán Tin hồi đầu tháng 9, Lê Phú Quốc, sinh viên năm cuối Đại học Sư phạm Hà Nội, lập tức đăng ký. Quốc tham gia vì nhận thấy chương trình ý nghĩa và cũng mong được góp sức giúp lực lượng y tế yên tâm nơi chuyến đầu chống dịch.
Để được giao lớp, Quốc phải vượt qua nhiều vòng phỏng vấn, xem xét kinh nghiệm và khả năng của quản lý chuyên môn. Hôm 13/9, Quốc bắt đầu buổi gia sư đầu tiên với Phạm Dương Hiếu, học sinh lớp 6 tại một trường tiểu học công ở Hà Nội. Hiếu có mẹ là bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, chuẩn bị lên đường chi viện cho TP HCM.
Lớp online 1:1 của Quốc diễn ra vào buổi tối, từ 17h30 đến 19h, thứ hai và thứ năm hàng tuần. Trước khi dạy, Quốc liên hệ với học trò tìm hiểu chương trình và sách giáo khoa để soạn bài. Nam sinh khoa Toán Tin không gặp khó khăn với việc dạy trực tuyến vì cũng đang hướng dẫn thêm bốn lớp khác.
Quốc cho Hiếu làm bài kiểm tra 40 phút để đánh giá, trước khi có lộ trình học phù hợp. Nam sinh sau đó quyết định theo hướng ôn tập chắc kiến thức cơ bản rồi cho Hiếu cọ xát nhiều với các dạng toán nâng cao.
Từng ba năm kinh nghiệm gia sư môn Toán nhưng đây là lần đầu tiên chàng trai quê Khánh Hòa nhận kèm học sinh lớp 6. Ban đầu, Quốc khá lo vì đã quen dạy các lớp lớn, tốc độ nhanh. Để học sinh tiếp thu bài tốt, Quốc phải thay đổi phương pháp, dạy chậm lại và giảm khối lượng bài tập trong mỗi buổi học. "Với lớp lớn, một buổi em dạy 10 bài nhưng các em nhỏ thì chỉ 5-6 bài", Quốc nói.
Vừa dạy, Quốc vừa quan sát xem Hiếu có tập trung, tiếp thu được hay không. Vì dạy 1:1 nên gia sư thường xuyên có các câu hỏi tương tác để đánh giá học sinh nắm được kiến thức vừa học ra sao. "Hiếu rất ngoan, thái độ học tập tốt và tiếp thu nhanh nên em không quá vất vả khi kèm em ấy", Quốc chia sẻ.
Tham gia "Học cùng chiến binh nhí", Quốc có cơ hội được ôn tập kiến thức, trau dồi kỹ năng sư phạm.
Là một trong 1.000 sinh viên và giáo viên đang tham gia dự án, Lê Thị Bích Ngọc, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm 2 Hà Nội, được xếp dạy lớp 2. Học sinh của Ngọc là Hà My, có mẹ làm y tá ở Bệnh viện Việt Đức, hiện chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 13 ở huyện Bình Chánh, TP HCM. Bố cũng đi làm xa nên My được gửi ở nhà bác, em gái được đưa về bà ngoại gần đó.
Chưa từng gia sư cho học sinh tiểu học nên lúc được phân lớp, Ngọc phải nhờ mẹ là giáo viên hỗ trợ. Mẹ giúp Ngọc cách tiếp cận, vừa là cô giáo, vừa làm bạn với học trò. "Mẹ chỉ bảo em cách dạy mềm dẻo, liên hệ thực tế và hỏi những câu chuyện ngoài lề để hiểu hơn tâm lý học sinh. Mẹ cũng khuyên em nên cho Hà My nghỉ giải lao giữa giờ để bé thoải mái", Ngọc kể.
Ngoài hỏi mẹ, Ngọc cũng tham khảo chuyên môn, phương pháp của các bạn ở khoa tiểu học để chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.
Bé Hà My đang học hệ quốc tế tại một trường tiểu học tư ở Hà Nội, do đó môn tiếng Việt đuối hơn các môn khác. Ngọc nghiên cứu kỹ bộ sách giáo khoa Hà My học và nhận thấy kiến thức không quá khác so với bộ sách cũ. Mỗi bài đều chia rõ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và có nhiều phần mở rộng.
Buổi học đầu tiên, cô và trò đều hồi hộp nhưng sau màn giới thiệu vui vẻ, Hà My dần bắt nhịp. Một buổi của Ngọc thường có hai nội dung: Đảo qua kiến thức trên lớp với bốn kỹ năng cơ bản và chuyển qua nội dung bài mới khi Hà My đã đáp ứng tốt các kỹ năng này.
Theo Ngọc, học sinh lớp lớn có sự tập trung cao, trong khi các em lớp nhỏ hay bị xao nhãng. Ngọc phải kiên nhẫn, nhắc đi nhắc lại để Hà My lưu kiến thức trong đầu. Cô cũng thường xuyên sáng tạo trong bài giảng, kết hợp nhiều trò chơi nhằm tạo hứng thú học tập cho Hà My.
Khi thấy Hà My thiếu tập trung, Ngọc sẽ nghĩ cách khơi gợi sự tò mò, đặt phần thưởng ở cuối giờ học để con phấn đấu giành được. Mỗi lần thấy Hà My buồn vì nhớ em và bố mẹ, Ngọc đều phải động viên, kể chuyện vui để bé nguôi ngoai.
Sau mỗi buổi học, Ngọc sẽ trao đổi lại với chị Phạm Thị Tươi, mẹ của Hà My, về tình hình học tập. Việc liên lạc thường xuyên giúp phụ huynh nắm được việc học của con, đồng thời cũng giúp gia sư hiểu học sinh để có cách dạy phù hợp.
"Tôi vui khi thấy con yêu quý và nghe lời cô Ngọc. Chương trình này thực sự ý nghĩa với những nhân viên y tế phải công tác xa nhà như tôi", chị Tươi cho biết.
Trước khi vào TP HCM, chị Tươi chưa biết tính sao với hai con. Khi biết có chương trình hỗ trợ, chị đăng ký và yên tâm vì con được các thầy cô kèm cặp. Nữ y tá cho hay công việc tại bệnh viện dã chiến rất bận rộn nhưng chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian để gọi về cho các con. Chị cũng gửi các chương trình về nhờ bà hướng dẫn cô con gái thứ hai học.
"Lượng bệnh nhân đã giảm, tôi hy vọng một tháng nữa sẽ được về nhà. Các con cũng ngóng mẹ về từng ngày", chị Tươi tâm sự.
"Học cùng chiến binh nhí" là dự án cộng đồng được thực hiện bởi Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, Công ty Truyền thông Viettel (Viettel Media) và Tổ chức giáo dục Blacasa Việt Nam nhằm tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Ngoài gia sư 1:1 các môn văn hóa cho các con, "Học cùng chiến binh nhí" còn có những lớp ngoại khóa, năng khiếu như: Tự tin giao tiếp, thuyết trình; Nhảy, khiêu vũ; Âm nhạc; Ảo thuật... với "thầy cô giáo".
Bình Minh