Cuộc biểu tình được đặt tên "Ủng hộ Hong Kong, quyền lực cho nhân dân" do nhóm gồm đại diện sinh viên từ 12 trường đại học tổ chức diễn ra tại công viên Chater Garden ở khu vực trung tâm Hong Kong. Các nhà tổ chức muốn Anh tuyên bố rằng Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố chung Trung - Anh và Mỹ nhanh chóng ban hành Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong.
Y tá Yeung, 26 tuổi, nói rằng anh không hy vọng nước ngoài sẽ hỗ trợ các cuộc biểu tình, song việc kêu gọi sẽ "nâng cao nhận thức quốc tế". "Ở một mức độ nào đó, sự chú ý liên tục có thể khiến Bắc Kinh hành động cẩn trọng hơn đối với các vấn đề Hong Kong. Tuy nhiên, cuối cùng người Hong Kong vẫn phải dựa vào chính mình", Yeung nói.
Brian Leung Kai-ping, người duy nhất gỡ khẩu trang trước truyền thông kể từ khi người biểu tình tấn công Hội đồng Lập pháp ngày 1/7, nói rằng thành phố không còn khả năng quay trở lại trật tự trước đây và Hong Kong nên tận dụng sự hỗ trợ của quốc tế.
Sự kiện ở Chater Garden diễn ra khi người biểu tình Hong Kong chuẩn bị cho cuộc biểu tình cuối tuần mới, kêu gọi chính quyền thành phố rút toàn bộ dự luật hiện bị tạm hoãn cũng như thực hiện cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát sử dụng vũ lực với người biểu tình.
Một số cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch, bao gồm tuần hành từ Hung Hom đến To Kwa Wan, cuộc biểu tình của giáo viên, cũng như một cuộc biểu tình của những người ủng hộ chính quyền. Mặt trận Nhân quyền dân sự cũng sẽ biểu tình ở Vịnh Causeway vào ngày 18/8.
Cảnh sát công bố những bức thư phản đối cuộc tuần hành từ Hung Hom đến To Kwa Wan cũng như cuộc tuần hành khác hôm chủ nhật, chỉ chấp thuận cuộc biểu tình tại công viên Victoria trên Vịnh Causeway. Cảnh sát cũng yêu cầu người biểu tình không tiến về phía Hội đồng Lập pháp, gây tắc đường, rối loạn giao thông hay đập phá các cơ sở.
Cảnh sát từ chối trả lời câu hỏi liệu họ có tiếp tục sử dụng vòi rồng, song một quan chức nói rằng nếu xảy ra nguy cơ về tính mạng con người, tài sản hoặc gián đoạn giao thông, họ sẽ xem xét sử dụng vòi rồng.
Biểu tình bùng phát ở Hong Kong từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa nghi phạm sang các khu vực mà đặc khu chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Hàng nghìn người biểu tình đầu tuần này kéo đến sân bay quốc tế Hong Kong khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, hoạt động sân bay tê liệt và thiệt hại kinh tế gần 80 triệu USD. Chính quyền trung ương ở Bắc Kinh lên án hành vi bạo lực của người biểu tình giống như "khủng bố" và sẽ không khoanh tay đứng nhìn nếu biểu tình vượt quá kiểm soát của chính quyền thành phố.
Huyền Lê (Theo SCMP)