Đại học trực tuyến FUNiX vừa ra mắt chương trình hướng nghiệp cho sinh viên nhằm tư vấn nghề; tăng tính kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội tuyển dụng và đầu ra cho học viên.
Là người trực tiếp triển khai và phụ trách, Trưởng ban Cố vấn nghề nghiệp Nguyễn Vũ Hưng chia sẻ sự cần thiết của mô hình này.
- Mô hình này đã triển khai ở nhiều trường trên thế giới, vì sao đến thời điểm này, FUNiX mới áp dụng?
- Đại học trực tuyến FUNiX thành lập Ban cố vấn nghề nghiệp với tên gọi “FUNiX Career Advising”, mục đích là giúp sinh viên học nhanh, kiếm tiền sớm. Đồng thời hỗ trợ người học định hướng tương lai nghề nghiệp để sớm vạch ra kế hoạch học tập rõ ràng, bổ sung các kỹ năng cần thiết và kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.
Tất cả sinh viên đều có thể “học nhanh, kiếm tiền sớm” nếu nhận được sự trợ giúp từ phía mentor (chuyên gia công nghệ) và cố vấn nghề nghiệp của họ. Chương trình cố vấn này không phải là điểm lạ, hiện nhiều trường đại học đã có bộ phận này tuy nhiên phần lớn hoạt động không hiệu quả.
Khác biệt của chúng tôi là giúp sinh viên hòa nhập nhanh và sớm vào môi trường doanh nghiệp, đồng thời nắm bắt cơ hội nghề nghiệp một cách bài bản nhất. Và đây là thời điểm thích hợp để triển khai, sau khoảng thời gian nghiên cứu, thử nghiệm.
- Vì sao anh tin chắc sẽ giúp cho học viên tìm được việc sau khi tốt nghiệp?
- Chúng tôi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trong suốt quá trình học tập. Quá trình này chia làm ba giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn trước khi sinh viên vào trường, nhằm giải đáp thắc mắc “Học xong FUNiX, bạn sẽ thành người thế nào?”.
Tiếp đó, trong quá trình học tập, chúng tôi giúp sinh viên trả lời câu hỏi “Bạn học cái gì, như thế nào, có ích hay không?”.
Và cuối cùng, sau tốt nghiệp, chúng tôi sẽ hỗ trợ sinh viên định hướng đúng nghề nghiệp, tìm công việc phù hợp với thu nhập tốt, đồng thời kết nối họ với các doanh nghiệp cần nhân sự thích hợp.
- Với những học viên năng lực hạn chế, anh làm cách nào để tìm việc phù hợp cho đối tượng này?
- Tôi quan sát thấy trong 100 sinh viên, có 5% là sinh viên ưu tú tự tìm việc hoặc được doanh nghiệp săn đón. Với số sinh viên này, người tư vấn chỉ cần kết nối với doanh nghiệp thích hợp để họ có mức thu nhập cao nhất, đôi bên cùng có lợi.
Với 15% sinh viên khá tiếp theo, tìm việc không khó nhưng vẫn cần kết nối và định hướng. Còn với 60% khác là sinh viên trung bình khá, họ cần được tập trung tư vấn theo đúng hướng, phù hợp với năng lực để có vị trí thích hợp trong các doanh nghiệp.
Cuối cùng, với 20% còn lại khá nan giải, nhiều bạn không tìm được việc làm; hoặc có tìm được thì công việc cũng nhàm chán, thu nhập không cao. Những sinh viên này cần được tư vấn định hướng cho họ mục đích nghề nghiệp và bản thân rõ ràng, tự bản thân họ cũng phải cố gắng cải thiện những kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.
- Theo anh, vì sao vai trò cố vấn nghề nghiệp ở một số trường hiện nay khá mờ nhạt?
- Cá nhân tôi nghĩ nó nằm ở câu chuyện kết nối giữa người có nghề (sinh viên FUNiX) và người có việc (doanh nghiệp cần nhân sự ngành Công nghệ thông tin). Việc kết nối giữa hai đối tượng này sao cho hợp nhất luôn khó. Người tư vấn, phải là người làm nghề, cần hiểu cung và cầu của cả hai phía để có thể kết nối tốt nhất.
Quan điểm cung và cầu có lẽ đúng ở mọi trường hợp. Với thị trường lao động tri thức, cung và cầu phức tạp hơn lao động cơ bản. Năng lực người lao động sở hữu có thể không khớp 100% với yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng mà thường chỉ đáp ứng 20% yêu cầu đặt ra và có tới 50% năng lực không dùng đến, lệch 30% năng lực còn lại.
Câu trả lời tuyển hay không tuyển nằm ở chiến lược lâu dài hoặc ngắn hạn của bên tuyển dụng, phụ thuộc vào định hướng nghề nghiệp, kỳ vọng lương của cả hai phía cũng như thái độ, sở thích... của đôi bên. Thị trường Công nghệ thông tin còn có đặc thù của ngành này nên bản thân người lao động và nhà tuyển dụng khó đến được với nhau hơn, nên việc kết nối trở nên vô cùng quan trọng.
Ví dụ, trong yêu cầu vị trí Web engineer, bên tuyển dụng chỉ mô tả danh sách các kỹ năng công nghệ cần có là PHP, node.js, SQL, jQuery, subversion, git và tiếng Anh nhưng lại có sự chênh lệch giữa mức lương từ 600-2.000USD. Câu hỏi đặt ra là nhà tuyển dụng dựa vào tiêu chí nào để loại hoặc nhận người với mức lương 600 USD hay 2.000 USD. Lúc này, người môi giới (thực hiện việc kết nối) cần biết ứng viên có (và không có) cái gì, ở mức nào; phía tuyển dụng cần ở mức nào, mức lương thị trường là bao nhiêu... để có thể tư vấn, kết nối hai bên với nhau. Người này cũng có nhiệm vụ xử lý tình trạng một hay nhiều yêu cầu bị vênh (tức thừa, thiếu hoặc không có).
Tuy nhiên, để làm được điều này, người tư vấn phải có kinh nghiệm và nắm bắt thông tin nhạy bén.
- Nhiều sinh viên từ lúc nhập học tới khi ra trường vẫn hoang mang về định hướng nghề nghiệp. Anh có lời khuyên nào cho trường hợp này?
- Theo tôi, sinh viên có thể đi học nghề (để bổ sung cho lý thuyết); tăng cường thực tập, thực hành để có cơ hội tiếp xúc, cọ xát với nghề ngay khi còn là sinh viên để hiểu rõ hơn công việc của mình trong tương lai. Khi gặp khó khăn, các bạn có thể tâm sự, xin ý kiến tư vấn từ những anh chị nhiều kinh nghiệm đi trước...
Lê Ngọc