Giọt máu hồng là thứ quý giá trong cơ thể con người. Nó có vai trò vô cùng hệ trọng đối với sức khỏe mỗi người bởi không ai có thể sống nếu thiếu máu.
Cũng chính vì điểm này mà rất nhiều người ngại hiến máu. Họ sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, sợ sau khi hiến máu cơ thể sẽ bị suy nhược, ốm yếu. Thậm chí, nhiều người vẫn còn hoài nghi, cho rằng, hiến máu có thể dẫn đến việc lay lan các bệnh truyền nhiễm do quy trình hiến máu không đảm bảo an toàn.
Họ rỉ tai nhau những hiểm họa có thể xảy ra khi hiến máu, và rồi, câu chuyện ấy lan nhanh một cách âm thầm, ngấm ngầm trong suy nghĩ của rất nhiều người, lấn át cả những khẩu hiệu, những tinh thần hiến máu vì lòng nhân đạo.
Vô hình trung, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc mọi người e dè khi hiến máu, khiến các bệnh viện tại Việt Nam thường xuyên ở trong tình trạng thiếu máu. Theo tổ chức y tế thế giới, để đảm bảo an toàn truyền máu, số lượng người tham gia hiến máu phải bằng 2% dân số nước đó. Trong khi, ở Việt Nam, con số này chỉ đạt 0,78% năm 2010
Hiện nay, tại một số trường đại học cao đẳng, nhằm khuyến khích sinh viên tham gia hiến máu đã đề ra quy chế cộng điểm thưởng rèn luyện cho những sinh viên tham gia hiến máu.
Tuy nhiên, không ít người lại hiểu theo chiều hướng tiêu cực, cho rằng hoạt động hiến máu không hoàn toàn vì nhân đạo, mà chỉ vì những “con điểm” mà thôi. Họ rêu rao rằng: “Chao ôi! Nhân đạo gì chứ! Chẳng qua cũng chỉ vì để cộng điểm, vì muốn dành học bổng mà thôi".
Họ thi nhau lên facebook than thở, hoài nghi về một nghĩa cử cao đẹp và vô hình trung, hoài nghi cả về một truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc
Ai cũng biết máu là một thứ vô cùng quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Giọt máu quý giá như vậy, nếu không có chút lợi lộc gì thì ai đã sẵn lòng cho đi? Không chỉ những người không tham gia hiến máu mới nhìn việc hiến máu là một hành vi gàn dở, ngu ngốc mà ngay đến bản thân những người tham gia hiến máu cũng chưa ý thức hết được lợi ích của việc hiến máu.
Chính nhiều người khi cho đi những giọt máu của mình cũng chỉ vì những điểm cộng, những sĩ diện hão do bị bạn bè kích bác.
Mặt khác cũng vì những quy chế hiện nay đối với người hiến máu dẫn đến số lượng người tham gia hiến máu ở Việt Nam chưa cao. Những người tham gia hiến máu, nhất là những người hiến máu nhiều lần vẫn chưa được tôn vinh xứng đáng.
Khi đi tuyên truyền, vận động sinh viên đi hiến máu, họ tập trung nói nhiều về lợi ích được cộng điểm hơn là lợi ích xã hội của việc hiến máu. Chính điều này dường như làm hạ thấp giá trị nhân văn của hoạt động tình nguyện này phủ lên nó những thứ vật chất nhỏ nhoi không xứng tầm nhưng lại dễ gây ngờ vực hiểu lầm cho nhiều người rằng: “Có hay không việc sinh viên đi hiến máu chỉ vì muốn cộng điểm”?
Đó chính là mấu chốt của việc dẫn đến tâm lý cực đoan khi đánh giá hoạt động tình nguyện này. Tuy nhiên, xét đến cùng thì tại sao có những trường lại chọn cách cộng điểm vào thành tích học tập cuối kì để thu hút sinh viên đi hiến máu.
Liệu có mâu thuẫn nào trong việc đánh giá xếp loại học lực của sinh viên khi điểm rèn luyện và điểm học tập bị đánh đồng cộng gộp với nhau. Trong khi ai cũng hiểu rõ, thành tích học tập nên được đánh giá nghiêm túc dựa trên két quả học tập của sinh viên.
Chúng ta cần thấy rõ những lợi ích của việc hiến máu
Giảm lượng sắt dư thừa trong máu
Nếu trong máu, lượng sắt vượt quá quy định thì sẽ dẫn đến việc kích thích sự hình thành các gốc tự do, làm thay đổi tế bào, phá vỡ chức năng tế bào bình thường và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, như bệnh tim mạch, ung thư.
Không lo ngại việc thiếu máu
Cơ thể một người bình thường sẽ thay thế máu sau 42 sau khi cho, và tất cả những hồng cầu sẽ hoàn toàn được thay thế trong vòng ừ 4-8 tuần. Một người bình thường có thể hiến một đơn vị máu (200ml) sau 8 tuần lễ.
Được kiểm tra sức khỏe
Khi bạn đến hiến máu, các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của bạn, từ chiều cao, cân nặng, cho đến huyết áp, nhóm máu và liệu bạn có mắc bệnh truyền nhiễm hay không?
Tinh thần
Chỉ khi bạn thực sự tham gia hiến máu, bạn mới cảm nhận được niềm vui sẻ chia giọt máu của mình để cứu người. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ lòng khi mình làm được chút việc có ích cho đời và thêm tin yêu cuộc sống này hơn.
Bởi xã hội không chỉ có những mặt trái mà còn có rất nhiều người tốt, sẵn sàng hy sinh vì mọi người (rõ ràng, khi bạn đi hiến máu, bạn thấy không chỉ mình bạn đi hiến, bên cạnh bạn là vô số những người hảo tâm).
Cần hiểu rằng, hiến máu không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng, mà trước hết nó đem lại lợi ích cho chính bản thân người đi hiến. Cũng cần tránh những tư tưởng quá cực đoan, cho rằng, hiến máu chỉ vì những điểm cộng nhỏ nhoi mà làm mất đi ý nghĩa nhân văn cao đẹp của hoạt động tình nghĩa này.
Vượt lên tất cả mọi thứ tầm thường, hãy xem hiến máu đơn giản chỉ là để cứu người, chỉ điều đó thôi đã đủ nói lên tất cả những gì cao đẹp.
Nếu muốn đền đáp tốt hơn công lao của người tình nguyện hiến máu nhiều hơn, thiết nghĩ cần phải có những tôn vinh mang giá trị tinh thần, đề cao những nghĩa cử cao đẹp, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để mọi người noi theo.
Cần phải để mọi người phân biệt ranh giới giữa việc bù đắp phần nào ơn người hiến máu với việc phủ những giá trị vật chất nhỏ nhoi, xem hoạt động hiến máu chỉ để đổi lấy cái này, cái khác.
Và cũng không nên khuyến khích theo kiểu cộng điểm như ở một số trường đại học hiện nay đang áp dụng, bởi khuyến khích là một chuyện, nhưng học tập lại là một chuyện khác.
Trương Thị Thu Hường