Tại buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo TP HCM với sinh viên tiêu biểu các trường đại học, ngày 23/3, nhiều sinh viên nói quan tâm đến chính sách tuyển nhân tài, sinh viên xuất sắc vào cơ quan nhà nước nhưng cung - cầu chưa gặp nhau.
Mai Hải Yến, chủ tịch Hội sinh viên Học viện cán bộ TP HCM, nhận định học viên trường mình rất phù hợp để làm việc ở khu vực công nhưng lại thiếu thông tin về các đợt tuyển dụng, không hiểu rõ nội dung công việc của từng vị trí.
Trong khi đó, Võ Lập Phúc, sinh viên trường Đại học Sư phạm TP HCM, nói nhắc đến khu vực công, bản thân và bạn bè vẫn hình dung đó là môi trường khuôn khổ, bị ràng buộc bởi quy tắc và khó phát triển bản sắc cá nhân.
"Chúng em mong cán bộ thế hệ gen Z không đơn thuần làm việc hành chính mà vẫn có thể là một youtuber, blogger, người sáng tạo nội dung", Phúc nói, cho biết miễn sao những gì tạo ra là vì sự phát triển của thành phố, hài hòa giữa bản sắc của cá nhân với lợi ích tập thể.
Theo Châu Anh, chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, các doanh nghiệp tư rất chịu khó tiếp cận sinh viên để truyền thông, giới thiệu môi trường làm việc và thu hút qua các chương trình quản trị viên tập sự. Nhiều chương trình ngoài trả lương còn đặt ra một lộ trình phát triển cho ứng viên. Qua đó, doanh nghiệp tận dụng được tiềm năng của sinh viên còn các em được cọ sát, nâng cao năng lực.
"Khi em hỏi, sinh viên ngành Công nghệ thông tin cho biết ở môi trường tư nhân các bạn được trao cơ hội thực hiện dự án lớn, giúpđể trau dồi, nâng cao kỹ năng, chuyên môn", Châu Anh chia sẻ.
Vì thế nữ sinh đề xuất thành phố truyền thông để sinh viên hiểu rõ môi trường, việc làm ở khu vực công. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần có lộ trình phát triển cho sinh viên xuất sắc nếu đưa họ về làm việc.
Để làm được điều này, Võ Khánh An, trường Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng thành phố nên tổ chức kênh quảng bá, tuyển dụng hay ngày hội việc làm để sinh viên biết và chuẩn bị.
Trong quá trình tuyển dụng, các cơ quan cũng cần kết nối với chuyên gia đầu ngành, giảng viên các trường đại học để tư vấn cho sinh viên hoặc phân bổ về các cơ quan phù hợp với năng lực.
Mặt khác, Võ Khánh An cho rằng chế độ lương cũng là vấn đề quan trọng, nếu chỉ xếp lương theo cơ chế lương ngạch bậc, thâm niên thì chưa phù hợp với sinh viên xuất sắc.
An nhìn nhận sinh viên mới ra trường có thể chấp nhận mức lương thấp miễn có môi trường để học hỏi nhưng sau đó sẽ lập gia đình, nuôi con nhỏ, phụng dưỡng cha mẹ già. Lúc đó, họ cần có mức thu nhập tương xứng với năng lực, đóng góp.
Qua khảo sát nhỏ với 100 sinh viên ở trường, Mai Hải Yến cho biết có 71 bạn muốn học lên cao hơn sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn muốn thực hành, trải qua các vị trí công tác ở khu vực công. Do đó, Yến mong thành phố có chính sách hỗ trợ để sinh viên trải nghiệm việc làm ở khu vực nhà nước, đồng thời học lên thạc sĩ, tiến sĩ.
Anh Trương Văn An, Phó bí thư Ban cán sự Đoàn của Đại học Quốc gia TP HCM, đề xuất thành phố tổ chức chương trình giả lập "Nếu tôi là chủ tịch UBND TP HCM". Sinh viên tham gia sẽ được đưa xuống cơ sở, cơ quan để tìm hiểu công việc, vấn đề cần giải quyết, sau đó đưa ra giải pháp, hiến kế. Đây là cơ hội để thành phố tận dụng năng lực, sáng kiến của sinh viên xuất sắc, từ đó có thể giới thiệu những sinh viên phù hợp vào làm việc.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, nói trân trọng những ý kiến, đề xuất của sinh viên. Ông cũng trăn trở làm sao để chính quyền mở ra không gian để sinh viên được thực hành, làm quen nghề nghiệp ở khu vực công.
"Làm việc khu vực công phải căn cứ vào các quy định, quy chế nhưng cũng cần đổi mới sáng tạo, còn chắc chắn công chức, viên chức không thể nào như nhân vật showbiz", ông Mãi nói
Ông Mãi cũng đề xuất Thành đoàn khởi động chương trình "Sáng kiến sinh viên", huy động trí tuệ, sức sáng tạo của người trẻ, tạo không gian, khuôn khổ để ý tưởng của người trẻ được phát huy. Ông cho rằng để sáng kiến, sáng tạo của các bạn trẻ có kết quả cần sự lắng nghe, đồng hành của lãnh đạo thành phố.
Ông Mãi cũng đặt vấn đề thành phố có thể làm gì để chăm lo điều kiện học tập, nghiên cứu cho sinh viên. Theo ông giải pháp là chính sách tín dụng cho sinh viên, để những em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận, vay chi phí học tập. UBND thành phố và Đại học Quốc gia TP HCM đang xây dựng chính sách này.
Nhật Lệ