Dù chỉ là một hoạt động trong phạm vi cấp trường ĐH Hoa Sen, nhưng tọa đàm thu hút sự tham dự của khá nhiều giảng viên, sinh viên, các giáo sư, tiến sỹ về ngôn ngữ, văn hóa trong nước và Việt kiều.
Theo Cường, sinh viên trong các ĐH nên xưng tôi với các giảng viên để khẳng định và bảo vệ quan điểm, lập trường của mình. Cậu sinh viên này cũng bày tỏ mong muốn các giảng viên ĐH nên gọi sinh viên là "các bạn", hoặc tên riêng, thay vì cách gọi "anh, chị" mà nhiều người hiện dùng.
Ý kiến của nam sinh viên này nhận được nhiều đồng thuận từ phía sinh viên và những người làm giáo dục. Hầu hết đều cho rằng, việc xưng "tôi" sẽ giúp các em tự tin trong việc tranh luận học thuật với giảng viên, qua đó nâng cao vị thế chủ động của học trò.
Một sinh viên nước ngoài học khoa tiếng Việt tại tại ĐH Hoa Sen bối rối với cách xưng hô trong giảng đường VN. Ảnh: Lan Hương. |
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, cách xưng hô trong tiếng Việt tuy giúp phân định chính xác các mối quan hệ, nhưng thiếu những đại danh từ trung tính khiến người tham gia giao tiếp đôi khi khó xử.
Dù là nhà văn kỳ cựu, nhưng ông cũng có lần bị rơi vào thế bí này khi viết về một nhân vật gián điệp. "Phải đến gần kết thúc truyện, vai trò gián điệp mới bị lộ, vậy thì nên dùng đại từ nhân xưng nào cho phù hợp với bản chất của nhân vật này từ đầu tới cuối chuyện cho phù hợp cũng là cả vấn đề", ông nêu ví dụ.
Trong vai trò của người tham gia làm giáo dục, nhà văn Nguyên Ngọc ủng hộ quan điểm sinh viên xưng "tôi" trên khuôn viên giảng đường. Ở ĐH Phan Châu Trinh mà ông là một trong những người đồng sáng lập, việc xưng "tôi" được quán triệt cho sinh viên ngay trước khi nhập học. "Cung cách làm việc, phương pháp cách dạy, học bậc ĐH có thể sẽ được điều chỉnh bắt đầu từ việc thay đổi cách xưng hô này", ông phân tích.
Tuy nhiên, vấn đề "sinh viên nên xưng "tôi" hay không" cũng làm dấy lên những tranh luận, phản ứng gay gắt ngay từ giới sinh viên, các giảng viên và các chuyên gia giáo dục.
Phó chủ tịch Hội Marketing Việt Nam Lý Trường Chiến thông tin, có kết quả khảo sát đã phân tích "mỗi lời nói đơn thuần chỉ có tác dụng biểu đạt 7% ý nghĩa, ý nghĩa của lời nói được thể hiện 38% , và 55% ở những biểu hiện khác như điệu bộ, cử chỉ".
"Vì thế, sinh viên, xưng tôi, em hay con đều tốt. Các em nên sử dụng đại từ nhân xưng nào khiến mình tự tin nhất để bộc lộ thái độ, quan điểm riêng. Nếu cứ cố ép sinh viên xưng tôi, không khéo chúng ta lại ép từ khuôn này sang cái khuôn khác", ông Chiến nêu quan điểm.
Bà Bùi Trân Thúy, giảng viên ĐH Hoa Sen cũng chia sẻ, mặc dù không câu nệ chuyện xưng hô của sinh viên, nhưng nhiều lần bị sốc khi nhận được lời chào kiểu "Hi cô", hoặc cách trả lời gọn lỏn một từ "Ok" trong e-mail phúc đáp của các sinh viên do bà hướng dẫn luận văn. "Kết quả dạy và học phải xuất phát từ phương pháp giáo dục chứ không chỉ qua cách xưng hô", bà Thúy nói.
Sinh viên Mai Hoàng Lộc, đến từ khoa ngôn ngữ và văn hóa học thì phản biện, không phải sinh viên nào cũng được tăng thêm bản lĩnh và tự tin khi xưng "tôi" với thầy, cô giáo. Theo Lộc, sinh viên hiện thường cảm thấy nhỏ bé khi đứng trước các giảng viên vì lượng kiến thức không đủ dày dặn để tranh luận bình đẳng chứ không phải do cách xưng hô. "Nếu sinh viên có kiến thức tốt, thì xưng em cũng vẫn khẳng định được cái tôi của mình", sinh viên này bày tỏ.
"Tôi đảm bảo, sinh viên ĐH Hoa Sen sẽ không bị "trù", bị giảng viên thay đổi thái độ, sửa điểm số, nếu xưng tôi với thầy, cô", Tiến sỹ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường này khẳng định. Tuy nhiên, bà Phượng cũng thừa nhận, đại từ nhân xưng phổ biến mà bà và các học trò hiện dùng vẫn là "Cô - Em".
Tiến sỹ này cho rằng, vấn đề thay đổi cách xưng hô trong trường ĐH ở Việt Nam gắn liền với nhiều yếu tố về lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc, nên không dễ dàng thay đổi trong ngày một ngày hai. "Dù chưa thể thay đổi ngay, nhưng tối thiểu các sinh viên cũng nên xưng "tôi" khi thuyết trình, phát biểu ý kiến..." bà Phượng nói.
Nữ Hiệu trưởng này cũng cho biết, trong nỗ lực giúp sinh viên được khẳng định vị thế là người trưởng thành, ngoài việc khuyến khích các em xưng "tôi", ĐH Hoa Sen còn áp dụng "mẹo" không thiết kế bục giảng cho giáo viên trên các giảng đường. Theo bà Phượng, biện pháp này có vẻ hơi duy ý chí, nhưng Ban giám hiệu trường này tin rằng nó sẽ giúp kéo gần khoảng cách giữa thầy và trò, chí ít về mặt không gian.
Lan Hương