Tham gia hành trình xTour "Thanh niên 4.0" do FUNiX tổ chức có 500 sinh viên ĐH Đà Lạt. Tại đây, các bạn được mentor Trương Gia Bảo - nguyên Giám đốc kinh doanh Sàn thương mại điện tử Sendo.vn chia sẻ về bức tranh toàn cảnh của cách mạng 4.0 và tác động của nó tới thế hệ trẻ.
Anh Bảo khẳng định, thanh niên là lực lượng quan trọng trong cách mạng 4.0. Với đặc điểm dễ tiếp nhận với những giá trị mới, chỉ cần tích cực, chủ động học hỏi, phát triển bản thân phù hợp là thanh niên có thể nắm được thời cơ.
Tại chương trình, câu hỏi nhận được nhiều sự chú ý nhất của cả mentor và các sinh viên là: "Các mentor đánh giá trong thời đại 4.0, sinh viên ĐH Đà Lạt có cơ hội cạnh tranh thế nào so với sinh viên các trường khác?".
Trước câu hỏi này, nữ mentor Lê Minh Đức đặt câu hỏi ngược lại với sinh viên: "Các bạn có cho rằng 4.0 chỉ liên quan tới dân công nghệ? Ai nghĩ rằng mình không phải là dân công nghệ mà vẫn có thể kiếm tiền từ 4.0?".
Sau gợi ý của chị Đức, nhiều sinh viên đã thẳng thắn chia sẻ về về những ý tưởng, công việc thực tế các bạn đang làm như kinh doanh quảng cáo qua livestream Facebook, quản lý Fanpage... Tổng kết những thông tin nhận được từ sinh viên, mentor Minh Đức kết luận: "4.0 chạm tới tất cả mọi người. Không chỉ các sinh viên kỹ thuật, ai cũng cần trang bị kiến thức công nghệ để trở thành công dân số. Khi đã có kỹ năng thì dù học ở đâu, ngành nào, bạn cũng có cơ hội cạnh tranh về việc làm trong thời đại 4.0".
Tham gia hỗ trợ trực tuyến trên Fanpage của FUNiX, mentor Cát Nghiêm Hiếu Tuấn nhận định, sinh viên ĐH Đà Lạt hay bất kỳ trường nào đều có cơ hội như nhau trong thời đại 4.0. "Nhờ Internet, xuất phát điểm của mọi người là ngang nhau. Việc bạn thành công hay không phụ thuộc vào nỗ lực của chính bạn", anh nói. Mentor Phạm Văn Tường thì cho rằng, học ở đâu không quan trọng bằng việc học như thế nào. Chủ động tìm tòi, chịu khó hỏi người giỏi... là bạn sẽ thành công.
Sau hội thảo, thầy Phan Tuấn Anh - Bí thư Đoàn ĐH Đà Lạt cho biết, hành trình xTour "Thanh niên 4.0" mang tới những thông tin thiết thực và ý nghĩa. Theo thầy, Đà Lạt có thế mạnh về du lịch dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, sự phát triển của 4.0 tạo điều kiện thuận lợi trong tương lai cho sinh viên Đà Lạt.
Thầy cũng đưa ra ví dụ thực tế về khối ngành nông nghiệp và công nghệ sinh học. Các nhà kính với hệ thống tưới, đo nhiệt độ, độ ẩm, phân tích chất lượng sản phẩm, phân tích gen, giống cây... bằng công nghệ cao giúp sinh viên thực hành nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học ngay trong trường. Sản phẩm do sinh viên sản xuất được doanh nghiệp thu mua và nguồn tài chính này dùng để tái đầu tư cho hoạt động thực hành của sinh viên.
"Rất nhiều sinh viên ngay từ năm thứ 3, 4 đã được các doanh nghiệp như Hasfarm Đà Lạt, công ty trồng nấm, rau mầm... nhận thực tập và trả lương. Sau khi ra trường, các bạn được nhận thẳng vào làm việc tại đây", thầy Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, Đoàn trường còn có nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng số, kết nối sinh viên với các sân chơi công nghệ. Thầy Tuấn Anh cho biết, việc đào tạo kỹ năng số đã thực hiện từ sớm, giúp sinh viên hiểu được vai trò của công nghệ trong thời đại mới. Sinh viên cần có kỹ năng để biến công nghệ thành một người bạn, chứ không để nó chi phối và kiểm soát cuộc sống của mình.
Hội thảo cũng đề cập đến một số vấn đề khác như tư duy 4.0, văn hóa chia sẻ thông tin, cách học 4.0... Nhận xét chung về chương trình, mentor Lê Minh Đức cho rằng, sinh viên của ĐH Đà Lạt hào hứng trao đổi nhiều vấn đề, các bạn có những câu hỏi, câu trả lời thông minh.
"Thanh niên 4.0" là chuỗi chương trình do ĐH FUNiX phối hợp với các trường đại học trên cả nước đồng tổ chức, nhằm chia sẻ về tác động của cách mạng 4.0 và thúc đẩy nhận thức của người trẻ. Chương trình đã gặp gỡ, giao lưu với 4.500 sinh viên nhiều trường đại học tại 13 tỉnh thành từ Nam ra Bắc.
Nguyên Chương