Cuộc thi BKSEC CTF 2021 do Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty DuDu IT (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức ngày 5/6. Cuộc thi thu hút 845 lượt đăng ký tham gia. Dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế KOICA (Hàn Quốc), cuộc thi diễn ra trong 24 tiếng, dưới hình thức trực tuyến.

Trang chủ cuộc thi.
Chương trình thi được xây dựng gồm 4 chủ đề: Khai thác lỗ hổng phần mềm (exploit), – Dịch ngược phần mềm (reverse engineering), – Tấn công ứng dụng web (web security), và Mật mã (cryptography). Mỗi chủ đề gồm 4 đề thi gắn với các kịch bản thực tế về an toàn thông tin và có độ khó tăng dần đòi hỏi người chơi phải có chuyên môn, chiến thuật để giải đề và ghi điểm nhanh nhất.
Theo đại diện ban tổ chức, với độ khó và đa dạng của đề thi, chỉ có 92 thí sinh trong tổng số 845 người tham dự giải được ít nhất một đề thi. Thí sinh duy nhất đưa ra đáp án chính xác và giành được giải nhất là Nguyễn Đức Kiên, sinh viên năm thứ ba Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 3.141. Tiếp đó là 5 thí sinh đạt điểm cao nhất nhận được giải thưởng và chứng nhận từ ban tổ chức.

Giao diện các phần thi trong cuộc thi BKSEC CTF 2021.
Cuộc thi BKSEC CTF 2021 nằm trong dự án An toàn không gian số thuộc chuỗi Chương trình giải pháp kinh doanh tích hợp (Inclusive Business Solutions, IBS) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Công ty DuDu IT đang thực hiện.
Mục tiêu chính của dự án là nâng cao năng lực cạnh tranh về an toàn an ninh thông tin của Việt Nam thông qua việc cung cấp chương trình đào tạo ngắn hạn cũng như định hướng nghề nghiệp cho sinh viên đến từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và một số trường đại học khác. Bên cạnh đào tạo cho sinh viên, dự án cũng mở rộng ra hướng tới cộng đồng thông qua các khóa học từ cơ bản đến nâng cao dành cho cán bộ cơ quan nhà nước, một số công ty và tổng công ty ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Trung tâm đào tạo An toàn không gian số tại nhà B1, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông – ĐH Bách Khoa Hà Nội (tháng 3/2021).
Cùng với làn sóng chuyển đổi số, sự phụ thuộc vào không gian số ngày càng tăng khẳng định vai trò của việc đảm bảo an toàn – an ninh thông tin. "Đặc biệt trong thời điểm hiện tại, dưới ảnh hưởng của Covid-19, nhiều tổ chức và doanh nghiệp chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến trên môi trường số, điều này dẫn đến không ít nguy cơ về đảm bảo an toàn hệ thống, cũng như bảo vệ dữ liệu, và thông tin cá nhân, càng khẳng định tầm quan trọng của vấn đề an ninh mạng và đào tạo an ninh mạng", đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Năm 2021, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông tuyển sinh 1020 sinh viên hệ đào tạo chuẩn và Elitech.
(Nguồn và ảnh: Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông)