Theo lịch bế giảng năm học, Nam và khoảng 20 sinh viên khoa Công nghệ thông tin khóa 20 (2015-2019) hoàn thành chương trình học vào cuối tháng 6, nhận bằng tốt nghiệp vào đầu tháng 7.
Tuy nhiên, Đại học Đông Đô bị phanh phui việc cấp chứng chỉ văn bằng 2 khi không được phép. Ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Viện trưởng Viện đào tạo liên tục Đại học Đông Đô bị truy nã; Hiệu trưởng Dương Văn Hòa và một số cán bộ của trường bị bắt về tội Giả mạo trong công tác.
Bằng tốt nghiệp không có người ký, sinh viên khoa Công nghệ thông tin khóa 20 như Nam bị treo bằng. Không thể làm hồ sơ xin việc khi thiếu bằng đại học, Nam thường xuyên vào nhóm chat của lớp để hỏi cô phụ trách. Tuy nhiên, câu trả lời của cô giáo tên Hương luôn là "Cô cũng không biết, khi nào có hiệu trưởng mới lên thì sẽ ký bằng tốt nghiệp cho các em".
Theo nam sinh Hà Nội, việc học tập, kết nối giữa trường với sinh viên lỏng lẻo. Đại học Đông Đô có ba cơ sở tại Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Chương Mỹ (Hà Nội), nhưng sinh viên Công nghệ thông tin khóa 20 trong ba năm đầu lại học ở tòa nhà Vapa trên đường Tôn Thất Thuyết và tòa nhà trên đường Trần Bình (Cầu Giấy, Hà Nội), năm cuối mới chuyển về cơ sở Thanh Xuân.
Chương trình học giữa các năm không có sự khớp nối, chuyển tiếp. Vì thế sinh viên khoa Công nghệ thông tin năm trước nợ môn rất khó để học tiếp vào năm sau. Tỷ lệ sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường chỉ bằng 1/4 so với số nhập học năm đầu tiên.
Mỗi lớp Công nghệ thông tin có một nhóm chat zalo chung cùng một cô phụ trách. Cô này không có chuyên môn về ngành đào tạo, chỉ có vai trò trung gian giữa sinh viên và nhà trường. "Mọi thông báo hay quyết định trường đưa xuống đều được viết tay, đóng dấu đỏ rồi được chụp lại và cô giáo sẽ gửi vào trong nhóm zalo cho cả lớp", Nam cho biết.
Trả lời về những thắc mắc của sinh viên, cô Hương cho biết Đại học Đông Đô có bảng điểm và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho sinh viên. Giấy này có giá trị tương đương bằng tốt nghiệp, ai có nhu cầu có thể lên khoa gặp người phụ trách để lấy trong thời gian đợi nhận bằng.
Tuy nhiên, Nam và nhiều sinh viên khoa Công nghệ thông tin cho biết chưa hề nhận được thông báo nào từ phía nhà trường về việc này.
Tình cảnh của Nam cũng giống như hầu hết sinh viên niên khóa 2015-2019 của Đại học Đông Đô. Trên trang confession, nhiều sinh viên hỏi khi nào có bằng tốt nghiệp. Sinh viên đại học chính quy năm 2 và 3 cũng tỏ ra hoang mang, lo sợ nhà đầu tư rút vốn và trường sẽ phá sản.
"Bố mẹ em ở quê xem tin tức cũng gọi điện lên hỏi, sợ thì sợ nhưng cả nhà cũng không biết làm sao ngoài việc để em tiếp tục đi học", Nguyễn Khánh Linh, sinh viên năm 2, nói.
21 ngày sau việc hiệu trưởng và nhiều cán bộ bị bắt, đến hôm nay Đại học Đông Đô chưa lên tiếng về sự việc cũng như có động thái nào để trấn an sinh viên. Các hoạt động tuyển sinh, xét tuyển bổ sung vẫn được tiến hành. Trường còn đang hướng đến lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (3/10/1994).
Đông Đô là đại học tư thục, trụ sở chính ở km25, quốc lộ 6, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội. Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022 gồm 6 thành viên, trong đó ông Trần Khắc Hùng là Chủ tịch, ông Dương Văn Hòa là thành viên. Ban giám hiệu gồm Hiệu trưởng Dương Văn Hòa và ba hiệu phó.
Đầu tháng 8, sau khi điều tra sai phạm tại Đại học Đông Đô, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Trần Khắc Hùng, Dương Văn Hòa, Trần Ngọc Quang (Phó trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên) cùng hai cán bộ Đại học Đông Đô là Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương về tội Giả mạo trong công tác theo điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Ngày 20/8/2019, Cơ quan điều tra ký quyết định truy nã ông Trần Khắc Hùng.
Theo điều tra, từ cuốinăm 2018đến đầu năm 2019, Đại học Đông Đô đã cấp 600-700 văn bằng hai "dạng cấp tốc" trong 2-3 tuần hoặc 2-3 tháng với mức phí từ 28 đến 35 triệu đồng mỗi văn bằng.
Thanh Hằng
*Tên nam sinh trong bài đã được thay đổi.