Chủ tịch hội đồng tuyển sinh trường cao đẳng Công thương TP HCM, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, một số ngành học truyền thống của trường trong những năm gần đây rất khó tuyển học viên. Do xu hướng của sự phát triển kinh tế, tâm lý của đa phần học sinh đều lựa chọn các khối ngành kinh tế, tài chính ngân hàng, trong khi một số ngành được ưa chuộng trước kia giờ lại bị bỏ lơ.
"Nếu như tuyển được khoảng 20 học viên thì chúng tôi vẫn sẵn sàng mở lớp đào tạo. Rất nhiều doanh nghiệp đặt hàng nguồn nhân lực này. Tuy nhiên việc tuyển sinh lại rất khó khăn. Không cẩn thận duy trì thì những ngành này có thể bị xóa sổ. Cần phải có chính sách như miễn giảm học phí hay biện pháp khuyến khích thì may ra mới có người theo học", ông Bình nói.
![]() |
Thí sinh ngày nay thờ ơ với một số ngành đạo tạo về dệt may, cơ khí chế biến nông lâm sản. Ảnh: Hải Duyên |
Ông Bình cũng cho biết, đối với những ngành khó tuyển, nhà trường đã phải hạ điểm đầu vào xuống mức thấp nhất có thể. Nếu như trong năm nay, không đủ số học viên để mở lớp thì các em sẽ được chuyển sang các ngành khác hoặc được bảo lưu và dồn đến năm sau.
Theo phòng đào tạo của trường thì chỉ có khoảng 14 thí sinh đăng ký dự thi vào ngành công nghệ sợi, 30 em vào ngành dệt. Các ngành sản xuất giấy, hóa nhuộm cũng trong tình trạng tương tự, năm ngoái đã không mở được lớp, còn trong năm nay vẫn chưa biết có đủ số học viên hay không.
Tương tự như CĐ Công thương, ngành cơ khí sửa chữa thiết bị dệt may của CĐ Công nghiệp dệt may thời trang, cũng trong tình trạng số thí sinh đăng ký dự thi không bằng chỉ tiêu tuyển sinh.
Chủ tịch hội đồng tuyển sinh ông Nguyễn Công Trí cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường trong ngành này khoảng 100 học viên nhưng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ có 90 hồ sơ, chưa kể sẽ có nhiều em không đạt yêu cầu về điểm tuyển sinh.
Một số ĐH khác cũng rơi vào tình trạng này. Đơn cử như ĐH dân lập Văn Lang, trưởng phòng đào tạo ông Võ Văn Tuấn cho biết, những ngành như kỹ thuật nhiệt, Tiếng Anh... lượng thí sinh đăng ký khá khiêm tốn. Riêng ngành kỹ thuật nhiệt lạnh vì không tuyển đủ số lượng thí sinh nên đã phải "đóng cửa" từ năm 2001 đến 2008 mới mở lại. Vậy mà năm ngoái, ngành cũng chỉ tuyển được 30 học viên, mặc dù đã có nhiều chính sách ưu tiên về đầu vào và học phí.
"Có nhiều lý do làm cho những ngành này khó tuyển. Trước hết đó là đầu ra, nhu cầu xã hội không nhiều, khó kiếm việc làm nên không hấp dẫn đối với thí sinh. Đối với ngành kỹ thuật nhiệt lạnh thường các em chỉ cần theo học ở trường nghề sau đó học nâng cao tay nghề chứ không nhất thiết phải học lên ĐH", ông Tuấn lý giải.
Không đến mức phải đóng cửa nhưng một số ngành của ĐH Nông Lâm TP HCM cũng chật vật trong việc tuyển sinh như: Chế biến lâm sản, thủy sản, phát triển nông thôn và khuyến nông, cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm... số lượng thí sinh đăng ký dự thi liên tục giảm.
"Chế biến nông lâm thủy sản là một trong những ngành truyền thống của trường. Tất cả sinh viên ra trường đều có việc làm và nhu cầu của các doanh nghiệp cũng khá lớn. Vậy mà liên tục gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Ngành phát triển nông thôn và khuyến nông dù được tài trợ học bổng, miễn giảm học phí, đầu vào chỉ từ điểm sàn nhưng thí sinh vẫn thờ ơ", bà Trần Thị Thanh trưởng khoa cơ khí công nghệ ĐH Nông Lâm TP HCM cho biết. Hiện tại, ngành này của trường chỉ có khoảng 23 học viên trong khi chỉ tiêu là 60 em.
"Nếu không có chính sách thì khó mà tuyển được. May ra chỉ cho những người thực sự tâm huyết với ngành mới theo học. Tuy nhiên, ngành này đầu ra lại rất tốt", ông Trần Đình Lý giảng viên đứng môn bày tỏ.
Đại diện một số trường đào tạo nguồn nhân lực ngành y cũng cho hay, học sinh ngày nay chỉ thích thi vào ngành y để được làm bác sĩ. Trong khi đó những ngành như y tế cộng đồng, vật lý trị liêu khả năng đậu cao hơn, nhu cầu xã hội nhiều nhưng lại ít thí sinh và việc tuyển sinh gặp không ít khó khăn.
Trưởng phòng công tác chính trị sinh viên, người chịu trách nhiệm về vấn đề lo đầu ra cho sinh viên trường ĐH Nông Lâm, ông Trần Đình Lý ý kiến: "Trong tương lai có thể có sự thay đổi trong cơ cấu việc làm. Các em nên có sự định hướng lựa chọn những ngành có phạm vi đào tạo rộng và hoàn cảnh thực tế sau khi ra trường để có công việc thích hợp cho bản thân".
Hải Duyên