"Cần phải ra quyết định đi hay ở lại. Trong thời gian một tuần, chúng tôi chắc chắn sẽ đưa ra quyết định", AFP dẫn lời Yvonne Leung, đại diện của Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS), hôm qua cho biết.
Sinh viên biểu tình luôn kiên quyết cho rằng biểu tình trên đường phố là phương án duy nhất để buộc chính quyền cải cách việc bầu cử lãnh đạo đặc khu hành chính Hong Kong năm 2017. Tuy nhiên, hôm qua, họ lại cho rằng quyết định rút lui đang là một lựa chọn.
Leung cho hay lý do chính để xem xét việc giải tán là cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát hôm 30/11, khiến hàng chục người bị thương, cũng như áp lực từ người dân, yêu cầu những người biểu tình rời đi.
Joshua Wong, thủ lĩnh phong trào Học dân (Scholarism), một trong những lãnh đạo của cuộc biểu tình, cho biết anh sẽ trao đổi với HKFS về các bước tiếp theo. "Chúng tôi sẽ thảo luận nội bộ và giữ liên lạc, trao đổi ý kiến và phối hợp với HKFS", anh viết trong một bài đăng trên Facebook. "Tôi hy vọng rằng chúng ta không đặt trọng tâm vào việc rút lui, mà tập trung vào việc liệu chính quyền có đàm phán hay không".
Ba người sáng lập phong trào Occupy Central (Chiếm Trung tâm) Benny Tai, Chan Kin-man và Chu Yiu-ming hôm 3/12 được thả sau khi ra trình diện cảnh sát với tội danh "tham gia biểu tình trái phép" . Cảnh sát cho biết họ sẽ tiếp tục điều tra.
Những người tham gia phong trào hôm 28/9 đổ xuống đường đòi cải cách chính trị, chặn ba nút giao thông trọng điểm của Hong Kong. Điểm biểu tình tại khu thương mại sầm uất Mongkok đã được cảnh sát xóa bỏ. Tuy nhiên, các trại biểu tình tại Admiralty, bên ngoài trụ sở chính quyền ở trung tâm Hong Kong vẫn chiếm đóng một đoạn dài trên con đường cao tốc chạy qua trung tâm khu này.
Phương Vũ