Sáu ngày trôi qua, Phùng Ngọc Ánh, sinh viên năm hai khoa Điều dưỡng, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, vẫn chưa quên được buổi sáng 28/1 với hai tin tức gần như liên tiếp: "Một công nhân Công ty Poyun dương tính nCoV" và sau đó là "72 ca nhiễm tại Công ty Poyun", ở xã Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương.
Đang học lâm sàng tại Bệnh viện Quân y 7 ở TP Hải Dương, cách ổ dịch hơn 30 km, Ánh bàng hoàng. Từ cảm giác vui sướng vì tối hôm trước sắm đủ quà Tết, chuẩn bị hai hôm nữa về quê, em trở nên hoang mang, tự hỏi liệu mình có về Phú Thọ đón Tết cùng gia đình được không hay phải ở lại Hải Dương?
Liền sau đó, em nhận được thông báo "chuẩn bị tham gia tập huấn, có khả năng phải tăng cường hỗ trợ phòng chống dịch" kèm lời nhắn của cô giáo: "Vì mình trong ngành y nên khi vào những hoàn cảnh thế này, các em tạm gác niềm vui sang một bên để là người tiên phong đi chống dịch".
Ánh rơm rớm nước mắt, cảm xúc hỗn loạn, phần vì buồn phải đón Tết xa nhà, phần vì thấy mình sắp bước vào một cuộc chiến thực sự. Ánh gọi về cho mẹ: "Con đã mua quà bánh về để đặt lên ban thờ thắp hương ngày Tết. Nhưng giờ con không về được mẹ ơi. Con phải ở lại hỗ trợ chống dịch".
Phía đầu máy bên kia, mẹ em bình tĩnh nói: "Con yên tâm ở lại. Mẹ sẽ để trống một khoảng trên bàn thờ đợi con đem lễ về. Mẹ con mình ăn Tết cùng nhau muộn hơn cũng được". Tay run run vì xúc động, Ánh hiểu gia đình rất ủng hộ mình.
Ngay chiều 28/1, Ánh tham gia buổi tập huấn lý thuyết, tìm hiểu về Covid-19, các biến chủng và những triệu chứng của người bệnh. Cùng với em chỉ có một vài sinh viên năm hai - nhóm đi học lâm sàng sớm hơn các bạn cùng khóa, còn lại chủ yếu là các anh chị năm ba. Từ hoang mang, buồn tủi, em bỗng thấy tự hào. "Đâu phải ai cũng được trải qua những tháng ngày lịch sử này", Ánh nghĩ.
Sáng 29/1, nữ sinh quê Phú Thọ tiếp tục tham gia buổi tập huấn về các kỹ năng cơ bản như cách mặc áo phòng hộ, cách phân loại bệnh nhân. Cùng ngày, em có quyết định nghỉ đi lâm sàng để chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ phòng chống dịch.
Ánh thuộc nhóm 8 sinh viên Điều dưỡng hỗ trợ tăng cường ở Bệnh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, một trong ba bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19. Công việc của em là hỗ trợ vòng ngoài, chuyển vật tư y tế vào cho y bác sĩ, đồ tiếp tế do người nhà bệnh nhân gửi vào, ghi chép sổ sách và làm những công việc theo chỉ đạo của bác sĩ phía trong. Ngoài thời gian hỗ trợ, em tự cách ly tại phòng trọ, không tiếp xúc với người ngoài.
"Dù ở một mình, em không thấy cô đơn vì người thân, bạn bè liên tục nhắn tin hỏi thăm. Em không có thời gian sử dụng điện thoại lúc làm việc, nhưng tối về đọc tin nhắn của mọi người, đặc biệt là từ mẹ, em có động lực hơn nhiều", Ánh chia sẻ.
Lúc này, mọi buồn bã vì không được về quê ăn Tết, mọi mệt nhọc sau ngày dài hỗ trợ ở viện đều tan biến. Ánh tự dặn phải ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe để tiếp tục hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Cô gái tự động viên bản thân thật may mắn khi được ăn Tết hai lần. Một lần ở Hải Dương, bên thầy cô, bạn bè và một lần ở quê nhà Phú Thọ, nơi mẹ vẫn đợi con gái về để mổ gà làm cỗ, phát lì xì dù có thể khi đó đã hết mùa xuân.
Quê huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, cách trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương hơn 20 km, Nguyễn Danh Hạnh, sinh viên năm hai khoa Xét nghiệm, vẫn phải thuê trọ. Hôm 28/1, đang dọn dẹp phòng về quê, Hạnh nhận tin Chí Linh có ca mắc Covid-19. "Chí Linh không giáp với TP Hải Dương, nhưng giáp với Nam Sách quê em nên em lo lắm", nam sinh nói. Lúc đó, Hạnh chỉ nghĩ dịch có thể lây lan rộng tới quê em, chứ chưa hề nghĩ đến việc phải ăn Tết xa nhà.
Giống như Ánh, trưa hôm đó, Hạnh nhận được thông báo từ cô trưởng khoa và cố vấn học tập về việc tăng cường hỗ trợ phòng chống dịch. Là lớp trưởng, đồng thời là trưởng khối sinh viên khoa Xét nghiệm, Hạnh không suy nghĩ nhiều, khẳng định sẵn sàng tham gia.
Sau hai buổi tập huấn, ngày 30/1, em cùng nhóm sinh viên theo hướng dẫn của thầy cô di chuyển từ TP Hải Dương xuống TP Chí Linh, nơi có ổ dịch Công ty Poyun. Công việc của em là lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có người thuộc diện F1, F2; hoặc sắp xếp mẫu để chuyển về khu xét nghiệm. Từ hôm nhận nhiệm vụ, mỗi ngày Hạnh đều dậy từ 6h sáng, 7h xuất phát đến một số vùng có dịch trong tỉnh; tối 20h, hoặc có hôm 22h mới về tới trường.
"Em chưa từng trải qua công việc như vậy nên ban đầu lo lắng, hồi hộp, sau thì quen dần và thấy vui vì mình cũng đã phần nào giúp đỡ người dân. Em học y là để phục vụ nhân dân mà", Hạnh cười nói.
Đây sẽ là cái Tết đầu tiên Hạnh xa nhà, không được quây quần bên gia đình trong bữa cơm tất niên, nhưng em không suy nghĩ quá nhiều. Hàng ngày, bố mẹ vẫn nhắn tin động viên, ngày hai lần hỏi "ăn cơm chưa, cố gắng lên". Thầy cô, bạn bè cũng hỏi thăm thường xuyên khiến em vừa xúc động, vừa cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn. Chưa có dự tính gì cho Tết, Hạnh chỉ mong sớm dập được dịch để người dân Hải Dương được đón Tết bình yên.
Đinh Tiến Đạt, sinh viên năm ba khoa Chẩn đoán hình ảnh, cũng hủy kế hoạch về quê ăn Tết, chuẩn bị thêm khẩu trang, găng tay, cồn sát trùng rồi ký tên vào đơn tình nguyện tham gia công tác phòng chống Covid-19. Công việc của em là thu dọn dụng cụ để thành lập bệnh viện dã chiến; tham gia truy vết ở các huyện, thành phố có dịch hoặc thu thập số liệu, rà soát mối tiếp xúc để xác định F1, F2, F3, giúp khoanh vùng dịch.
Từ giờ đến ít nhất là hết tháng 2, Đạt sẽ chỉ có thể giao tiếp với bố mẹ qua điện thoại, nhưng em vui vì gia đình, bạn bè đều ủng hộ. "Mọi người thường xuyên gọi điện giúp em có tinh thần, đỡ nhớ nhà", Đạt chia sẻ.
Không chỉ Ánh, Hạnh, Đạt, hơn 1.000 giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đang tham gia phòng chống Covid-19 ở Hải Dương. Trường được Bộ Y tế giao hai nhiệm vụ điều tra dịch tễ học để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và tham gia điều trị bệnh nhân tại bệnh viện. Đến chiều 2/2, bệnh viện dã chiến Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đang điều trị 44 bệnh nhân Covid-19.
Truyền tai nhau câu nói "Xuân này con không về" nhưng nó không khiến những sinh viên đang ở giữa tâm dịch Hải Dương buồn rầu. Ngược lại, tất cả đồng lòng hướng tới những ngày Tết đặc biệt nhất trong cuộc đời. "Đây thực sự là những ngày không quên, là kỷ niệm mà có lẽ sẽ theo em đến mãi về sau", Đạt chia sẻ lúc 12h đêm, sau ngày dài hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch.
Hải Dương đang là ổ dịch lớn với 224 trên tổng số 304 ca của cả nước, tính từ 28/1 đến tối 2/2. Toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, trong đó 6 trên 12 đơn vị cấp huyện phải phong tỏa nhiều khu vực.