Cuộc thi diễn ra từ tháng 6, thu hút 80 ý tưởng từ gần 400 sinh viên thuộc 15 trường đại học. 5 đội được chọn vào vòng chung kết, tranh tài hôm 28/12 ở Hà Nội. Ban giám khảo là các giảng viên, đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư.
DNA Mechatronics - nhóm giành giải nhất, gồm Mai Bá Nghĩa, Lê Đức Anh, Tăng Hoàng Đức, cùng là sinh viên năm thứ tư ngành Cơ điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Sản phẩm đạt giải là hệ thống phục hồi chức năng sử dụng công nghệ thực tế ảo, giúp người bệnh tập luyện với các bài tập cá nhân hóa. Từ đó, dữ liệu được phân tích, gửi bác sĩ đánh giá tiến trình hồi phục của bệnh nhân, điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.
Ba sinh viên cho rằng đã thuyết phục được ban giám khảo nhờ phần thuyết trình sản phẩm và tranh biện với đội bạn lưu loát.
"Nhóm cũng rất vui vì mọi cố gắng suốt ba tháng qua được đền đáp xứng đáng", trưởng nhóm Mai Bá Nghĩa nói.
Ý tưởng bắt nguồn từ định hướng nghiên cứu chuyên sâu của nhóm tại phòng thí nghiệm và trải nghiệm thực tế của Nghĩa.
Nam sinh cho biết từng bị tai nạn cách đây 11 năm và đến nay, tay trái vẫn chưa đáp ứng được các hoạt động thường ngày. Tìm hiểu rộng hơn, Nghĩa thấy mình là một trong hai triệu người trên thế giới bị suy giảm chức năng vận động. Tại Việt Nam, 7% dân số gặp tình trạng này, theo Cổng thông tin Bộ Y tế. Nguyên nhân chủ yếu do đột quỵ (200.000 người mỗi năm) và tốc độ già hóa dân số nhanh.
Với 10.000 người dân, Việt Nam hiện chỉ có 0,25 nhân viên y tế phục hồi chức năng. Trong khi đó, mức nhân lực khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 0,5-1 người trên 10.000 dân.
"Người bệnh cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng và thiếu động lực tập luyện. Chi phí chưa phù hợp với túi tiền của người Việt", Nghĩa đánh giá. "Đó là lý do nhóm lên ý tưởng về hệ thống này".
Hệ thống gồm phần cứng và phần mềm. Trong đó, phần cứng là một găng tay phản hồi xúc giác với cảm biến gắn ở đầu các ngón tay, một cảm biến khác đeo trên cẳng tay và kính thực tế ảo. Phần mềm là các bài tập phục hồi chức năng trong không gian ảo.
Môi trường không gian ảo có những hình khối đơn giản để người dùng tập cầm nắm. Hệ thống cảm biến tích hợp trong thiết bị ghi lại các thông số như lực cầm nắm, độ rung của ngón tay hay phạm vi chuyển động.
"Các bài tập được thiết kế theo hướng cá nhân hóa, phù hợp với từng người bệnh, giúp nâng cao động lực tập luyện với chi phí cạnh tranh", nhóm chia sẻ.
So với các sản phẩm có tính năng tương tự trên thế giới, nhóm cho biết hệ thống có giá thành rẻ hơn khoảng 12%. Cụ thể, bộ sản phẩm gồm găng tay, cảm biến, hệ thống phần mềm (không có kính thực tế ảo) giá khoảng 4 triệu đồng.
Ba thành viên DNA Mechatronics nói hành trình tạo ra sản phẩm không dễ dàng bởi đây là đề tài mới, chưa có nhiều tài liệu tham khảo, trong khi thời gian chỉ có khoảng ba tháng.
Không ít lần, cả nhóm ở lại trường đến tối muộn để cùng hoàn thiện từng chi tiết nhỏ. Sau đó, các em tự học cách thuyết trình, phản biện, thiết kế và xây dựng phương án kinh doanh.
"Có thời điểm, sản phẩm tưởng chừng 'toang', bất đồng và tranh cãi là điều không thể tránh khỏi", Nghĩa nói.
Với giải thưởng 50 triệu đồng từ cuộc thi, nhóm cho biết sẽ tiếp tục phát triển hệ thống phục hồi chức năng sử dụng công nghệ thực tế ảo.
"Chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng tính năng của sản phẩm để thương mại hóa", Nghĩa nói.
Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết những dự án tiềm năng như của DNA Mechatronics sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong chương trình BK Startup Day, diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6/2025.
"Đây là cầu nối để hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, đưa ý tưởng từ phòng thí nghiệm ra thị trường, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam", Phó giám đốc Huỳnh Đăng Chính nói.
Dương Tâm