Bộ phim Những cánh én đầu tiên thuộc series Không chiến Việt Nam của Xưởng phim Én Bạc (Silver Swallows Studio) thuộc Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Khởi quay từ năm 2016 nhưng đến tháng 4 năm nay, bộ phim mới hoàn tất. "Anh em trong đoàn phim chúng tôi thuộc đến từng chi tiết, hình ảnh, lời thoại dù là nhỏ nhất trong phim. Làm phim tài liệu lịch sử rất khó và kén khán giả, nhưng vì ý nghĩa của dự án, chúng tôi không bỏ cuộc", anh Nguyễn Văn Trường Sơn – nhà sản xuất của dự án nói trong buổi giao lưu tối 23/8 tại TP HCM.
Kỹ thuật là trở ngại lớn nhất của Những cánh én đầu tiên. Phim đòi hỏi trang thiết bị hiện đại để thực hiện những kỹ xảo điện ảnh 3D. Êkíp thực hiện là những sinh viên của Đại học Duy Tân đam mê công nghệ, kỹ xảo phim ảnh nhưng chưa biết nhiều về 3D, chỉ được đào tạo cấp tốc trong một thời gian ngắn. Anh Trường Sơn cho biết: "Bộ phim đòi hỏi máy móc, bộ xử lý đồ họa hiện đại, nhưng ở Việt Nam điều này còn rất nhiều hạn chế. Trang thiết bị phục vụ việc quay hình cũng thiếu thốn, ví dụ ánh sáng. Bình thường các cảnh quay được thực hiện trong studio, nhưng nhiều cảnh đòi hỏi ánh sáng mạnh mà máy móc của êkíp không đáp ứng được, chúng tôi phải chọn những ngày nắng gắt để thực hiện cảnh quay đó ở ngoài trời".
Để đáp ứng tính chính xác của lịch sử, đội ngũ làm phim phải tìm kiếm tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, từ lịch sử Việt Nam đến lịch sử của không quân Hải quân Mỹ bởi sự không đồng nhất về các thông tin. Đoàn phim vào Nam ra Bắc, gặp gỡ và trò chuyện với hơn 20 phi công - những người trong cuộc chiến để có thể thấu hiểu những câu chuyện của quá khứ. "Có những chuyện mỗi người kể một khác, êkíp phải cắt ghép sao cho khớp với lịch sử. Chúng tôi không lường trước được điều này nên tốn khá nhiều thời gian và công sức", anh Trường Sơn kể. Ngoài ra việc xin giấy phép cũng là một trở ngại lớn của đoàn làm phim.
Bộ phim hơn 40 phút được chia làm hai phần, xoay quanh trận chiến ngày 4/4/1965 giữa không quân Việt Nam và Mỹ. Một phần là lời kể của ông Trần Hanh - phi công tham gia trận đánh - cùng những người liên quan, còn lại là những thước phim tái hiện sự kiện lịch sử. Phim được công chiếu lần đầu tiên hồi tháng 5 tại Hà Nội, thu hút nhiều người xem.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Hàm Rồng (Thanh Hóa) có vai trò quan trọng trong tuyến đường tiếp vận khi là cầu đường sắt duy nhất qua sông Mã. Đây là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, diễn ra hàng trăm cuộc đụng độ. Ngày 4/4/1965, bốn máy bay Việt Nam từ Nội Bài (Hà Nội) di chuyển đến Thanh Hóa. Họ phát hiện toán máy bay F-105 (biệt danh Thần Sấm) của Mỹ chuẩn bị đánh bom cầu. Các phi công Việt Nam triển khai kế hoạch tác chiến với kẻ thù - vốn lợi thế về kỹ thuật. Họ bất ngờ bay lên cao trước khi lao xuống công kích, bắn rơi hai phi cơ địch. Trận chiến này được nhắc đến nhiều năm sau, minh chứng cho khả năng của không quân Việt Nam.
Thùy Linh