Muỗi lây bệnh truyền nhiễm, động vật gặm nhấm tàn phá mùa màng, côn trùng ăn cây rừng và thậm chí là mèo nhà đều có thể trở thành các loài xâm lấn gây hại cho con người và môi trường tự nhiên.
Trong một báo cáo mới trên tạp chí Nature, các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Sinh thái, Hệ thống và Tiến hóa tại Đại học Paris-Sacla của Pháp, do nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Christophe Diagne dẫn đầu, ước tính sinh vật xâm lấn đã gây thiệt hại gần 1,3 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu kể từ năm 1970 đến năm 2017, trung bình 26,8 tỷ USD mỗi năm.
Diagne cùng các cộng sự đã xem xét một loạt loài động thực vật giữa các môi trường sống khác nhau, từ côn trùng, bò sát, chim, cá, động vật thân mềm, vi sinh vật đến động vật có vú. Hầu hết thiệt hại liên quan đến hệ sinh thái, cây trồng, nghề cá và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh vào danh sách các loài xâm lấn gây hại hàng đầu, bao gồm chuột ăn cây trồng, sâu bướm gypsy - hai loài đang tàn phá cây cối trên khắp bán cầu bắc - và đặc biệt là muỗi vằn Đông Nam Á lây truyền bệnh Chikungunya, Zika và sốt xuất huyết.
Tại đảo Guam, vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ trên Thái Bình Dương, rắn cây nâu xâm lấn có nguồn gốc từ Australia và Indonesia đã tàn sát phần lớn quần thể chim và thằn lằn bản địa kể từ khi được vô tình đưa tới đây vào giữa thế kỷ 20. Chúng còn đe dọa con người và chui rúc vào các trang thiết bị, gây mất điện thường xuyên.
Trong các khu rừng ở Mỹ và gần đây là châu Âu, mọt gỗ sừng dài có nguồn gốc từ châu Á cũng đang tàn phá thảm thực vật, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ sinh thái.
Ban cố vấn khoa học của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học (IPBES) cho biết sinh vật xâm lấn nằm trong số 5 thủ phạm hàng đầu phá hủy môi trường trên toàn thế giới, cùng với những thay đổi về sử dụng đất, khai thác tài nguyên, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Nhóm nghiên cứu hy vọng đánh giá thiệt hại mới có thể giúp nâng cao nhận thức của mọi người về tác động của sinh vật xâm lấn và đẩy vấn đề này lên cao hơn trong danh sách các thách thức môi trường đáng sợ của nhân loại.
Đoàn Dương (Theo Phys)