Thứ năm, 25/4/2024
Chủ nhật, 22/1/2023, 02:30 (GMT+7)

Sinh vật 'tàng hình' săn mồi dưới đáy biển

Đà NẵngVùng biển dưới chân bán đảo Sơn Trà đang là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật có khả năng "tàng hình" để săn mồi và sinh tồn.

Cá mú đá biển (nhiều nơi còn gọi là cá song) ẩn mình trong thảm san hô mềm ở độ sâu trên 10 mét, nếu không nhìn thấy đôi mắt sẽ khó nhận biết loại cá này và lầm tưởng là cục đá vì giống hoàn toàn với môi trường của san hô dưới nước.

Ghi hình loài cá này dưới đáy biển, anh Đào Đặng Công Trung (44 tuổi), Hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh TP Đà Nẵng, cho biết ngoài kỹ thuật bơi, lặn và tự cân bằng trong nước, người có kinh nghiệm quan sát môi trường và các loài thuỷ hải sản mới phát hiện ra vị trí cá hay săn mồi. Khi gặp san hô màu nào, cá sẽ ngụy trang, tàng hình theo để bắt mồi.

Tôm thuỷ tinh với thân mình chỉ lớn như que tăm. Loài này thân hình gần như trong suốt, chỉ có thể nhận biết nhờ đôi càng, đuôi và cặp mắt có màu sắc.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Công Trung cho biết, nhiều loài sinh vật không phải cứ lặn xuống đáy biển là nhìn thấy mà phải có các kỹ năng, sự hiểu biết, đôi khi nhờ đến thiết bị máy móc hỗ trợ mới có thể chụp hình được.

Cá dao cạo (Solenostomus paradoxus) ẩn mình trong rạn san hô, nhỏ như chiếc đũa, được chụp macro. Loài cá này phân bổ ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Thân cá chỉ dài tối đa 12 cm, nếu không chiếu đèn, loài này có màu trắng và dễ lầm tưởng là một nhánh của san hô. Chúng thường ăn các loại động vật giáp xác nhỏ bằng cách hút nước vào bên trong cái miệng dài.

"Loài cá này dân địa phương thường gọi là cá ma. Thế giới động vật trên bờ có nhiều loài vật tàng hình thì ở dưới nước cũng như vậy, đó là điều thú vị mà chắc chắn nhiều người muốn trải nghiệm", anh Trung nói.

Cá Nemo (mặt hề) ẩn mình trong san hô mềm, lợi dụng màu sắc cơ thể có phần đồng nhất với màu san hô để săn mồi.

Cá nóc biển, được coi là động vật có xương sống độc thứ hai trên thế giới (chỉ sau ếch độc phi tiêu vàng) "tàng hình" trong những rạn san hô hoặc đá đồng dạng màu sắc với màu cơ thể để tránh những loài săn mồi khác.

Một loài san hô mềm, nhỏ bằng đầu ngón tay út, tạo hình phình ra, chừa lại một lỗ nhỏ để săn phù du. Qua góc chụp macro, san hô nhìn như một sân vật động từ trên cao.

Anh Đào Đặng Công Trung đã lặn biển hơn 10 năm, ghi hình hơn 30 loài san hô khác nhau, trên 50 loài cá và hơn 10 loài tôm. Theo đánh giá của đại diện Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh thành phố Đà Nẵng, những tác phẩm chụp dưới nước của anh Trung rất kỳ công, làm phong phú thêm các tác phẩm và là nguồn tư liệu quảng bá về du lịch, bảo vệ môi trường.

Hải quỳ dạng cây thông Noel sống lẫn với san hô, gần như tạo thành một quần thể dưới đáy biển. Do thiếu ánh sáng, loài này chỉ được phát hiện rõ nét nhất khi chiếu đèn.

Hải quỳ cũng là loài sinh vật thường nở bung xúc tu bao quanh miệng như những san hô mềm dưới đáy biển, nhưng khi có sinh vật khác chạm vào sẽ lập tức thu mình lại để bắt làm thức ăn hoặc phòng vệ.

Loài sứa trong suốt như những túi nylon nhỏ trôi trong nước chỉ có thể nhìn rõ hình dạng từ dưới đáy biển, dưới ánh mặt trời. Động vật ăn thịt này thường ăn phù du, trứng cá.

Cá mao tiên, còn gọi là Cá sư tử hay Lionfish, có màu nâu hạt dẻ và các sọc màu trắng bao phủ từ đầu đến thân. Nhưng chúng cũng có thể biến dần thành màu đen khi di chuyển ở những vùng ít ánh sáng để săn mồi ở các bãi đá và san hô.

Theo anh Trung, rất nhiều loài sinh vật biển có độc tố rất mạnh, như cá mặt quỷ, cá mú đá, mao tiên... Do đó, với những người thích khám phá đáy biển nên tìm hiểu kỹ, không nên mạo hiểm và nếu có tiếp cận gần để chụp ảnh thì không nên đụng chạm vào các loài sinh vật dưới nước.

Để chụp được những bức hình dưới nước một cách rõ nét, đúng màu sắc của loài ở độ sâu trên 10 m thì ngoài khả năng lặn giỏi phải biết giữ thăng bằng, có thiết bị vỏ bọc máy ảnh chuyên dụng, đèn chiếu sáng và đôi khi cần cả sự may mắn để gặp được những sinh vật mong muốn đang kiểm ăn ở cảnh đẹp xung quanh.

"Qua việc chụp ảnh các loài sinh vật biển và hệ sinh thái dưới nước, tôi muốn gửi đi thông điệp sinh vật biển rất phong phú, không phải ai cũng biết nên chúng ta hãy cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, nhất là các rạn san hô vì đây là loài chỉ có ở vùng biển nhiệt đới, là môi trường sống của nhiều loài sinh vật thú vị, ", anh Trung nói.

Ảnh: Trung Đào

Nguyễn Đông