Nhiếp ảnh gia Alyn Wallace trong chuyến thám hiểm đêm ghi lại khoảnh khắc hiếm thấy về hiện tượng phát quang sinh học ở sinh vật phù du trên bờ biển vịnh Ba Vách đá ở xứ Wales, Telegraph ngày 20/6 đưa tin.
"Mỗi bước chân của tôi và mỗi cú té nước đều bừng lên một thứ ánh sáng xanh dương như không có thực", Wallace chia sẻ. "Đây là điều tôi luôn mơ được nhìn thấy. Một trong những trải nghiệm kỳ diệu trong cuộc đời tôi".
Sinh vật phù du phát quang có tên khoa học Noctiluca scintillans. Dưới ánh sáng Mặt Trời, sự xuất hiện của các sinh vật phù du làm nước biển có màu đỏ nâu hoặc cam, tạo ra hiện tượng "thủy triều đỏ". Nhưng khi bị cuốn theo các con sóng đêm, chúng phát ra ánh sáng xanh dương huyền ảo.
Một bãi biển phát sáng vì sinh vật phù du. Video: Peter Kragh.
Phát quang sinh học là khả năng đặc biệt ở một số sinh vật sống trên cạn và dưới biển, có thể phát ra ánh sáng nhờ các phản ứng hóa học bên trong cơ thể. Nhóm hóa chất có tên luciferin khi được trộn lẫn tạo ra năng lượng kích thích sự rung của các phân tử khác, phát ra ánh sáng. Ánh sáng được tạo ra sau một chuỗi phản ứng oxy hóa với chất xúc tác luciferase.
Vũ Phong