Khả năng khuếch tán axit axetic của sinh vật phù du. Video: EurekAlert.
Một số loài sinh vật phù du có khả năng phát quang sinh học. Chúng không chỉ tự tạo ánh sáng cho cơ thể mà còn cả môi trường nước xung quanh. Nghiên cứu công bố tại Current Biology ngày 17/6 đã chỉ ra rằng sinh vật phù du phát quang là một cơ chế bảo vệ khỏi loài copepod (nhóm giáp xác chân mái chèo).
"Sự phát quang sinh học này không chỉ tạo ra một hiện tượng tuyệt đẹp trên biển mà còn là cơ chế phòng thủ của một số sinh vật phù du khỏi sự tấn công của các loài sinh vật khác", nhà nghiên cứu Andrew Prevett của Đại học Gothenburg, Thụy Điển cho biết. "Các tế bào phát quang sinh học có thể cảm nhận được kẻ thù xung quanh. Khi kẻ thù tới gần, cơ thể chúng sẽ phát sáng để xua đuổi kẻ thù.

Loài copepod - kẻ thù của sinh vật phù du. Ảnh: ST.
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Công nghệ Đan Mạch phát hiện ra rằng khi loài giáp xác tiếp xúc với các tế bào phát quang sinh học của sinh vật phù du, chúng sẽ phản ứng nhanh và gần như không bị ảnh hưởng bởi các tế bào phát quang sinh học. Nhà nghiên cứu Prevet cho rằng có ba cơ sở về khả năng phát quang sinh học của sinh vật phù du. Thứ nhất, nó có vai trò giống như một tín hiệu xua đuổi kẻ thù bằng màu sắc, một lời cảnh báo ngầm cho kẻ thù. Thứ hai, ánh sáng phát quang sinh học này làm sao nhãng kẻ thù, khiến cho kẻ thù mất tập trung, sinh vật phù du nhân cơ hội đó để thoát thân. Cuối cùng, việc phát quang sinh học còn là tín hiệu để thu hút, hỗ trợ những sinh vật lớn hơn đến săn loài copepod.
Từ đó, các nhà nghiên cứu có kế hoạch tìm hiểu thêm, loài copepod sẽ tạo ra một hợp chất khác để thích nghi hoặc chống lại phát quang sinh học của sinh vật phù du. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của các loài động vật ăn thịt gián tiếp cũng là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ mạng lưới thức ăn siêu nhỏ như sinh vật phù du trong đại dương.
Nguyễn Xuân (Theo EurekAlert)