Theo Tech Times, loài pareiasaur từng lang thang ở Nga, Đức, Scotland, Trung Quốc, Nam Phi và Nam Mỹ. Tuy nhiên, nghiên cứu trước đây không chỉ ra các nhóm pareiasaur ở mỗi vùng có khác biệt hay không.
Trong nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Động vật học hôm 19/2, giáo sư Mike Benton, nhà cổ sinh vật học đến từ Đại học Bristol, Anh, phát hiện hóa thạch pareiasaur tìm thấy ở Trung Quốc có một số điểm tương đồng với mẫu vật ở Nam Phi và Nga. Kết quả nghiên cứu cho thấy loài vật ăn cỏ nặng nề đã di chuyển khắp toàn cầu bất kể chuyển động chậm chạp.
Pareiasaur dài 2 - 3 mét. Chúng có thân hình giống chiếc thùng và các chi lùn mập. Dù vẻ ngoài đồ sộ, đầu và răng của chúng rất nhỏ. Những cục bướu hình thành từ xương che phủ toàn bộ thân và mặt con vật.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 6 loài pareiasaur ở Trung Quốc. Phần lớn hóa thạch tập trung ở bãi đá kỷ Permi bên bờ sông Hoàng Hà. Benton phân tích các mẫu vật pareiasaur từ nhiều viện bảo tàng tại Bắc Kinh. Ông cũng đến những nơi phát hiện mẫu vật.
"Nghiên cứu về quá trình pareiasaur tiến hóa của tôi chỉ ra loài ở Trung Quốc có quan hệ gần gũi với những họ hàng từ Nga và Nam Phi. Dù có cơ thể lớn và thói quen di chuyển chậm, chúng có thể bò khắp thế giới", Benton chia sẻ. Nghiên cứu của ông cũng chỉ ra ba loài pareiasaur ở Trung Quốc có khác biệt về hình dáng răng và kích thước cơ thể.
Loài pareiasaur ở Trung Quốc sống ở cuối kỷ Permi, thời kỳ diễn ra cuộc đại tuyệt chủng cách đây 252 triệu năm. Trong suốt thời gian này, những vụ phun trào núi lửa dữ dội ở Nga khiến khí hậu ấm lên trên toàn cầu và tạo ra mưa axit, khiến 90 % loài vật diệt vong.
"Chúng ta có thể sử dụng thông tin này như nền tảng để tìm hiểu cách pareiasaur di cư và chiếm cứ những vùng khác nhau trên thế giới", Linda Tsuji, người quản lý ở Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Canada, cho biết.
Phương Hoa